Sáng 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Phiên họp được kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin.

Đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang phát biểu chỉ đạo sau phiên họp tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quý I/2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới. Nhờ đó, tính đến hết tháng 3/2024, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và 4 doanh nghiệp; đồng bộ thành công trên 268 triệu thông tin người dân; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với 388 hệ thống, cơ sở dữ liệu của 95 cơ quan, đơn vị tham gia kết nối. Trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 2,8 triệu giao dịch. Tổng số đến nay là khoảng 2 tỷ giao dịch. Về phát triển hạ tầng số, 80,2% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng; 100% xã kết nối Internet cáp quang; di động băng rộng 4G được phủ sóng tới 99,8% dân số với chất lượng ổn định. Về phát triển Chính phủ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, 80,44% thủ tục hành chính đủ điều kiện toàn trình được cung cấp trực tuyến; 47,79% thủ tục hành chính đủ điều kiện toàn trình được cung cấp toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt khoảng 38,3%.


Hướng tới mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo hướng hiệu quả, thiết thực, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số theo Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024. Trong đó, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách; đẩy mạnh hoạt động số hóa các ngành kinh tế; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, tiếp tục phát triển các nền tảng, ứng dụng số, dữ liệu số, hạ tầng số; thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, triển khai đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã báo cáo, đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia từ sau phiên họp thứ 7 với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực; thảo luận, chia sẻ những cách làm hay mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn; phân tích các bài học kinh nghiệm; đề xuất các giải pháp trọng tâm để thực hiện cao nhất nhiệm vụ đã được đề ra tại Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 6 kết quả chính trong chuyển đổi số quốc gia thời gian qua. Đồng chí cũng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chậm; một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quyết liệt vào cuộc; nhiều thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa; công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng tại một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng dịch vụ công trực tuyến chưa cao; hạ tầng số chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, chưa có sự đột phá.

Qua thực tiễn triển khai công tác chuyển đổi số, đồng chí Thủ tướng Chính phủ rút ra các bài học kinh nghiệm quý báu. Một là, sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; nắm chắc tình hình thực tế, có phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; chỉ đạo điều hành đồng bộ, linh hoạt, tổ chức triển khai quyết liệt, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm. Hai là, lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của chuyển đổi số quốc gia, được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số quốc gia mang lại; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp. Ba là, xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chỉ đạo điều hành đồng bộ, linh hoạt, tổ chức triển khai hiệu quả, quyết liệt, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm. Bốn là, luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân. Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính.

Về quan điểm phát triển kinh tế số, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát thực tiễn, vận dụng linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp để phát triển kinh tế số; phát triển kinh tế số một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn là chạy theo số lượng.

Khẳng định, chuyển đổi số là khâu đột phá, một nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, ngành, địa phương phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, thúc đẩy chuyển đổi số thường xuyên, liên tục trên tất cả các ngành, các lĩnh vực, bảo đảm hiệu quả và thực chất, có trọng tâm, trọng điểm. Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, chủ động xây dựng đề án chuyển đổi số của từng ngành, địa phương tương tự như Đề án 06 của Bộ Công an. Đồng thời, đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông xóa bỏ các vùng lõm về sóng, hoàn thiện trước tháng 12/2024. Đối với các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, đồng chí đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, báo cáo Chính phủ giải quyết dứt điểm.

Phát biểu chỉ đạo sau phiên họp tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc, đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông rà soát lại những khó khăn, hạn chế trong chuyển đổi số; chỉ rõ những đầu việc để hoàn thành từng nhiệm vụ cụ thể; lên kế hoạch tham quan, học tập kinh nghiệm về chuyển đổi số tại một số địa phương. Đối với các dự án liên quan tới chuyển đổi số, các sở, ngành, địa phương rà soát lại những khó khăn, vướng mắc, đưa ra phương án thảo gỡ, nâng cao hiệu quả đầu tư.
 

Nguồn:vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 637.618
      Online: 42