QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA VĂN PHÒNG UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

 

Mãi mãi xứng đáng là cơ quan tham mưu, giúp việc tin cậy của Hội đồng nhân dânUỷ ban nhân dân tỉnh (1997-2003)

Thực hiện Nghị quyết Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ 10 ngày 26-11-1996. Tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 01-01-1997. Hội đồng nhân dân là cơ qua`n quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước.

Uỷ ban nhân dân tỉnh do Hội đồng nhân dân bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan nhà nước cấp trên. Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và thực hiện các chính sách khác trên địa bàn.

Để bảo đảm Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương; và cũng để bảo đảm Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương, góp phần bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương tới cơ sở.

Sự cần thiết phải có những điều kiện đảm bảo, trong đó Bộ máy giúp việc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh là một trong những điều kiện quan trọng nhất, việc thành lập cơ quan Văn phòng giúp việc là sự tuân thủ pháp luật và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác xây dựng chính quyền nhà nước vững mạnh “của Dân, do Dân và vì Dân”.  

Ra đời gắn với lịch sử, khi tái lập tỉnh (01/01/1997) một bộ phân cán bộ, công chức, viên chức giúp việc từ Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phú đã được bố trí để thành lập Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, theo Quyết định số 04/QĐ-UB ngày 13/01/1997 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng chí Phạm Văn Hoặc - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phú được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc; đồng chí Nguyễn Ứng - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phú được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, về tổ chức các phòng chuyên môn của cơ quan Văn phòng có Chuyên viên khối nghiên cứu tổng hợp; phòng Hành chính - Quản trị; bộ phận Nhà khách tỉnh; trong đó Lãnh đạo Văn phòng và Chuyên viên khối nghiên cứu tổng hợp thực tế đã hình thành một bộ phận giúp việc riêng để phục vụ công tác chỉ đạo của Hội đồng nhân dân tỉnh và một bộ phận giúp việc riêng công tác chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Phát huy truyền thống đoàn kết và kế thừa những kinh nghiệm của Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phú, ngay từ ngày đầu tái lập tỉnh tuy cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức số lượng chưa đủ, nhưng đã giữ vững mối đoàn kết, phối hợp chặt chẽ trong công tác tham mưu tổng hợp và đảm bảo các điều kiện hậu cần phục vụ cho chỉ đạo điều hành và các hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; trước những đòi hỏi của thực tiễn và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Văn phòng cần thiết phải tăng cường cán bộ Lãnh đạo Văn phòng, tháng 4/1999 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Chúc - Giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng và tiếp đến tháng 8/2002 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm hai đồng chí  Nguyễn Ngọc Quyền và đồng chí Hà Quang Tiến - Giữ chức Phó Chánh Văn phòng.

Khi tái lập, Vĩnh Phúc là một tỉnh rất nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém, không đủ điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung và gắn với nhu cầu thị trường. Mặt khác, đất canh tác ở Vĩnh Phúc nhỏ hẹp. Trước thực trạng này, Đảng bộ tỉnh đã xác định phải nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tập trung xóa đói, giảm nghèo, từng bước xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh giàu mạnh. Tại Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 1996-2000, Vĩnh Phúc xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ sang công nghiệp-nông nghiệp-dịch vụ. 

Trong giai đoạn này Văn phòng đã làm tốt công tác tham mưu giúp Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, nhanh chóng quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, khoa học công nghệ hiện đại và làm ra những sản phẩm có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhiều người dân trong và ngoài nước. Với các chính sách thông thoáng và tạo mọi điều kiện về đất đai và các thủ tục hành chính theo quy định của Pháp luật cho các nhà đầu tư, Vĩnh Phúc đã có các doanh nghiệp lớn và uy tín đến tỉnh đầu tư, như Toyota, Honda.... Từ một tỉnh nghèo và thuần nông, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội yếu kém, đến năm 2003 Vĩnh Phúc có quyền tự hào là một trong những điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế vừa chủ động và năng động. 

Quá trình hình thành và phát triển của cơ quan Văn phòng chịu tác động ảnh hưởng rất lớn của hệ thống Pháp luật do Nhà nước quy định, để phù hợp với sự phát triển của đất nước và từng bước hội nhập với nền kinh tế thế giới, thực tiễn đòi hỏi phải từng bước hoàn thiện và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, trước những yêu cầu khách quan và tuân thủ quy định của Pháp luật, tháng 12/2002 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đồng ý chủ trương cho thành lập riêng hai cơ quan Văn phòng; ngày 19/3/2003 Ủy ban nhân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành quyết định số 643/QĐ-UB thành lập cơ quan Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở chia tách Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc trên chặng đường mới, vinh dự, tự hào là cơ quan tham mưu, giúp việc tin cậy của UBND tỉnh trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh (2003-2015)

Việc chia tách đi cùng với chức năng, nhiệm vụ được giao; bộ máy Văn phòng UBND tỉnh được tổ chức lại chuyên sâu hơn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh sau khi chia tách: đồng chí Phạm Văn Hoặc giữ chức vụ Chánh Văn phòng, các đồng chí Nguyễn Văn Chúc, Nguyễn Ngọc Quyền, Hà Quang Tiến giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng và cơ cấu tổ chức là các bộ phận chuyên môn: bộ phận Nghiên cứu – Tổng hợp, bộ phận Hành chính – Quản trị, bộ phận, bộ phận Nhà khách, bộ phận Tin học và là tiền thân của các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp sau này.

Để nêu cao vai trò, trách nhiệm của các bộ phận phục vụ cơ sở, vật chất cho UBND tỉnh và các sự kiện chính trị lớn của tỉnh như Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngày 21/9/2004, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 3323/QĐ-CT thành lập Phòng Quản trị - Tài vụ, Quyết định số: 3324/QĐ-CT ngày 21/9/2004 thành lập Phòng Hành chính - Tổ chức; trên cơ sở đó, Nhà khách tỉnh cũng được thành lập tại Quyết định số 3342/QĐ-CT ngày 30/9/2004.

Trong thời gian này, Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã làm tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh trong chỉ đạo điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc phát triển tương đối toàn diện và đạt tốc độ cao: Tổng giá trị tăng thêm (GDP) trên địa bàn năm 2003 theo giá so sánh 1994 ước đạt  4.506,7 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế đạt +17,5%. Hoạt động kinh tế đối ngoại, thu hút vốn đầu tư trên địa bàn thu được kết quả rất phấn khởi. Đi cùng với việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Vĩnh Phúc là những vấn đề phát sinh trong hoạt động đối ngoại và quản lý người nước ngoài. Để phù hợp với tình hình thực tiễn và tuân thủ theo quy định của pháp luật, tháng 5 năm 2005, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Phòng Ngoại vụ thuộc Văn phòng UBND tỉnh, với chức năng tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh trong chỉ đạo về hoạt động đối ngoại.

Trên cơ sở thường xuyên nghiên cứu, bám sát các quan điểm chỉ đạo, điều hành của  Chính phủ, thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh và Quy chế hoạt động của UBND tỉnh, Khối nghiên cứu Tổng hợp đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Văn phòng cấp ủy, Văn phòng HĐND cùng cấp và các cơ quan liên quan kịp thời tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng chương trình công tác năm; chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh; tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Để phát huy năng lực và nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ làm công tác tham mưu, tổng hợp; Chuyên viên Khối Nghiên cứu tổng hợp cũng được thành lập thành các phòng theo các lĩnh vực tại Quyết định số: 192/QĐ-VP ngày 25/7/2006 của Văn phòng UBND tỉnh, gồm các Phòng: Tổng hợp, phòng theo dõi khối Kinh tế, phòng theo dõi khối Văn hóa - Xã hội, phòng theo dõi khối sản xuất Nông nghiệp &PTNT, phòng theo dõi khối sản xuất Công nghiệp - Dịch vụ và phát triển đô thị, phòng theo dõi khối Nội chính, phòng Tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo;

Bước vào thế kỷ XXI, trước những yêu cầu to lớn của đất nước nói chung cũng như sự phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng thì hiện đại hóa công tác Văn phòng là một đòi hỏi bức xúc, phù hợp với xu hướng của thời đại. Để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về thời gian cũng như chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thì hiện đại hóa công tác Văn phòng lại càng trở lên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết và vấn đề then chốt là công nghệ thông tin. Xác định vai trò quan trọng của công nghệ thông tin trong hiện đại hóa công tác Văn phòng, ngày 13/7/2006, Văn phòng UBND tỉnh đã có Quyết định số 181 và 183 thành lập Trung tâm Tin học, Trung tâm Công báo thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Tháng 7 năm 2013, Văn phòng UBND tỉnh đã đưa hệ thống quản lý văn bản và điều hành vào sử dụng để quản lý văn bản đi đến và điều hành nhiệm vụ trên hệ thống phần mềm, dần thay thế việc xử lý văn bản trên giấy. Hình thức quản lý này đã giúp Văn phòng UBND tỉnh xử lý công việc nhanh hơn, thuận tiện hơn, rút ngắn thời gian chờ đợi của các cá nhân, tổ chức, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Tin học của Văn phòng UBND tỉnh là đơn vị đã phối hợp với các đơn vị trong tỉnh giúp UBND tỉnh bổ sung trang thiết bị cho các huyện, thành, thị; duy trì sự ổn định hoạt động của hệ thống thư điện tử giúp cho việc chỉ đạo, điều hành các sở, ngành của UBND tỉnh được thực hiện nhanh chóng, kịp thời và được Bộ Thông tin và truyền thông đánh giá xếp thứ 9/63 tỉnh, thành trong cả nước về ứng dụng công nghệ thông trong chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước và phát triển công nghệ thông tin nói chung. 

Giai đoạn 2003-2010, kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc luôn đạt mức tăng cao, thu ngân sách năm 2003 đạt trên 1.000 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt trên 14 nghìn tỷ đồng; sản xuất công nghiệp năm 2003 đạt trên 10 nghìn tỷ đồng, năm 2010 đạt trên 42 nghìn tỷ đồng; Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ các năm ước đạt:  2005: 1.697,8  tỷ đồng, năm 2010: 5.057,3 tỷ. Trong thời gian này, Văn phòng đã tham mưu với UBND tỉnh để chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm thực hiện và nhiều dự án quy hoạch quan trọng đã được triển khai: Quy hoạch khu công nghiệp Chấn Hưng, quy hoạch khu đô thị Mê Linh, quy hoạch đô thị, giao thông, điều chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Vinxhh phúc, quy hoạch kinh tế - xã hội 9 huyện, thị, quy hoạch xã, phường, thị trấn… Các dự án chuẩn bị đầu tư đã được tích cực triển khai, hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch chi tiết KCN Quang Minh mở rộng; phê duyệt dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Bình Xuyên; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Khai Quang và Chấn Hưng… Đi đôi với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiệm vụ của Văn phòng UBND tỉnh cũng nặng nề hơn. Để tăng cường sức mạnh cho đội ngũ Lãnh đạo cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh, tháng 8 năm 2009, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định bổ nhiệm các đồng chí Nguyễn Văn Phong, Hoàng Văn Đăng và Lê Văn Thanh giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh;

VĂN PHÒNG UBND TỈNH THỜI KỲ 2010-2015

Năm 2010 là năm tổ chức đại hội Đảng các cấp, Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với các cấp các ngành tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XV.

Nhiệm vụ trọng tâm của Văn phòng thời kỳ này làm giúp UBND tỉnh lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương lớn về phát triển kinh tế, quản lý xã hội mở rộng quan hệ kinh tế với thế giới và khu vực, tăng cường công cuộc đổi mới, cải cách hành chính, mở rộng quan hệ đầu tư, phát triển kinh tế toàn diện; tổ chức thực hiện tốt công tác Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu "Đến năm 2015 xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh có đủ các yếu tố cơ bản của một tỉnh công nghiệp. Đến năm 2020 Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh công nghiệp, là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của khu vực và của cả nước; nâng cao rõ rệt mức sống nhân dân; môi trường được bảo vệ bền vững; bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh; hướng tới trở thành Thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ 21". Với nhiệm vụ quan trọng  như vậy đòi hỏi tổ chức bộ máy Văn phòng ngày càng lớn, số cán bộ được tăng cường, trình độ chuyên môn được đào tạo chuyên sâu.

Để tiếp tục thực hiện tốt chương trình Tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, tháng 4 năm 2011, phòng Kiểm soát thủ tục hành chính được thành lập trên cơ sở là bộ phận Đề án 30 thuộc phòng Hành chính - Tổ chức, nhiệm vụ của phòng Kiểm soát thủ tục hành chính giúp Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc kiểm soát thủ tục hành chính và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Năm 2012, theo quy định tại  Quyết định số 451/QĐ-UBND ngày 20/02/2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc thành lập phòng Pháp chế tại các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chánh Văn phòng UBND tỉnh ra quyết dịnh số 14/QĐ-VP ngày 24/02/2012 của Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc thành lập phòng Pháp chế thuộc Văn phòng UBND tỉnh.

Đặc biệt để mở rộng quan hệ đầu tư, tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày 08/8/2012 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định 1889/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc.

Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh đổi mới hoạt động đối ngoại, xúc tiến và thu hút đầu tư, đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, thu hút đầu tư có chọn lọc và hướng tới các đối tác tiềm năng, có nền công nghiệp phát triển. Tổ chức thành công nhiều đoàn công tác vận động, xúc tiến đầu tư tới các quốc gia, vùng lãnh thổ. Tiếp đón nhiều đoàn, các tỉnh, thành phố, các đoàn doanh nghiệp của nhiều quốc gia đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ được quan tâm...  Do đó, kết quả thu hút đầu tư đạt cao, như năm 2014 thu hút các dự án FDI, cao nhất cả về số lượng dự án và số vốn đăng ký từ trước đến nay. Nhiều dự án có tiến độ triển khai rất nhanh (có dự án chỉ triển khai trong 5 tháng đã đi vào sản xuất).

Trong 5 năm 2011-2015, thu hút được 268 dự án, trong đó có 166 dự án DDI với tổng vốn đăng ký 19,4 nghìn tỷ đồng và 102 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,26 tỷ USD. Lũy kế đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 805 dự án còn hiệu lực gồm: 614 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký 44,04 nghìn tỷ đồng, vốn thực hiện ước đạt 34,3% tổng vốn đăng ký và 191 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 3,3 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 53% vốn đăng ký. Trong 5 năm, có thêm 220 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (gồm: 137 dự án DDI và 83 dự án FDI), nâng tổng số dự án đi vào sản xuất kinh doanh đến hết năm 2015 là 405 dự án (gồm 253 dự án DDI và 152 dự án FDI), chiếm 50,3% tổng số dự án.

Công tác tiếp công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Văn phòng UBND tỉnh, đề làm tốt công tác tiếp dân ngày 10/10/2014 Chủ tịch UBND tỉnh  đã ra Quyết định số 2788/QĐ- CT ngày về việc Thành lập Ban Tiếp công dân tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở hợp nhất giữa Phòng Tiếp công dân và Trụ sở tiếp công dân. Hàng năm Ban tiếp công dân đã giúp UBND tỉnh tiếp dân hàng trăm lượt, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo theo thẩm quyền được giao đúng luật, góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; Mặt khác ngăn ngừa, chấn chỉnh sai phạm của cá nhân, tập thể, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền ở các cấp.

Những năm 2010 đến 2015 tỉnh Vĩnh Phúc đang trên đà phát triển mạnh, tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh và hiện đại. Hiện nay cơ sở vật chất của Văn phòng được trang bị theo hình thức hiện đại hóa, 100% cán bộ công chức, viên chức được trang bị máy tính để làm việc, công tác chỉ đạo các hoạt động của Văn phòng đã được thực hiện trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Tổ chức bộ máy của Văn phòng hiện nay gồm 10 phòng chuyên môn và 04 đơn vị sự nghiệp: Phòng Tổng hợp, Phòng Văn hóa - Xã hội, Phòng Kinh tế, Phòng Nội chính, Phòng Công nghiệp - Xây dựng, Phòng Nông nghiệp và Quản lý tài nguyên, Phòng Pháp chế, Phòng Hành chính - Tổ chức, Phòng Quản trị - Tài vụ. Ban Tiếp công dân, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Trung tâm Tin học, Trung tâm Công báo, Nhà khách. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là 130 người. Lãnh đạo Văn phòng gồm 05 người; Trưởng phòng và tương đương: 14 người; Phó Trưởng phòng và tương đương: 22 người. Trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức: Tiến sỹ: 01 người; Thạc sỹ: 18 người;  Đại học: 44 người.

Các đồng chí là chuyên viên, cán bộ quản lý được đào tạo cơ bản có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trên các lĩnh vực công tác được phân công, đó là những tiền đề thuận lợi để thực hiện các nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao. Trưởng, Phó phòng, chuyên viên của Văn phòng 100% các đồng chí đã học xong chương trình Quản lý Nhà nước dành cho chuyên viên. Cán bộ, công chức Văn phòng làm công tác quản lý và chuyên viên hầu hết sử dụng thành thạo máy vi tính và có kiến thức ngoại ngữ để phục vụ công việc được giao.

Thời kỳ này, Chánh Văn phòng có các đồng chí Hà Quang Tiến từ 11/2008 - 7/2012, đồng chí Bùi Minh Hồng từ 7/2012 đến nay. Các đồng chí Phó Văn phòng là đồng chí Nguyễn Văn Phong từ 8/2009 đến nay, đồng chí Hoàng Văn Đăng từ  8/2009 đến nay, đồng chí Lê Văn Thanh từ 8/2009 đến nay, đồng chí Nguyễn Tiến Hạnh từ 02/2011 đến nay.

Để thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc UBND tỉnh, Văn phòng đã cụ thể hoá nhiệm vụ của từng phòng chuyên môn, tổ công tác để tham mưu, phục vụ có hiệu quả cho sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh. Thường xuyên giáo dục, xây dựng cho cán bộ, công nhân viên có lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng, hướng dẫn và phổ biến những chủ trương lớn của địa phương, của Nhà nước cho cán bộ, công nhân viên thông qua các hình thức sinh hoạt. Động viên anh em trong mọi điều kiện công tác, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ chung, có ý thức tự giác, năng động sáng tạo để đạt hiệu quả công tác cao. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo sự lãnh đạo tập trung thống nhất của tổ chức Đảng, xây dựng tập thể đoàn kết nhất trí.

 Văn phòng đã xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất trong sạch, không quan liêu, không tham nhũng và tận tuỵ với công việc, hết lòng vì sự nghiệp chung. CBCNV văn phòng gương mẫu thực hiện Pháp lệnh Cán bộ, công chức và Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, những văn bản pháp luật về quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, cụ thể hoá các tiêu chuẩn cán bộ, công chức.

Các  hoạt động của Văn phòng UBND tỉnh trong thời gian vừa qua đã phục vụ tốt sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh. Đặc biệt là trong năm 2011 diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp tốt có hiệu quả với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các sở, ngành liên quan, nơi cư trú trong việc giới thiệu và lựa chọn nhân sự lãnh đạo UBND tỉnh, giúp Hội đồng bầu cử thực hiện tốt cuộc bầu cử theo chỉ đạo của cấp ủy trên địa bàn tỉnh.

Văn phòng UBND tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của UBND tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2010-2015, kết quả đạt được là: Kinh tế của tỉnh phát triển, nhịp độ tăng trưởng kinh tế tăng 6,2%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,8%/năm); Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả cao, năm 2014 đã vượt mốc 20 nghìn tỷ đồng. Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư có nhiều đổi mới về phương thức, nội dung; thu hút vốn đầu tư trực tiếp đạt kết quả tốt. Sản xuất nông nghiệp đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao; chăn nuôi đang dần trở thành ngành sản xuất chính. Sản xuất công nghiệp tiếp tục là nền tàng của nền kinh tế, đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng và thu ngân sách của tỉnh; hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho các khu công nghiệp được quan tâm đầu tư. Các ngành dịch vụ duy trì được sự phát triển, dịch vụ du lịch có nhiều tiến bộ. Chất lượng các hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản được nâng lên. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được tăng cường theo hướng hiện đại. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao. Cải cách các thủ tục hành chính được quan tâm, đạt được kết quả tích cực, nhất là việc thành lập bộ phận một cửa chung của cả tỉnh (IPA) đã và đang phát huy hiệu quả, được doanh nghiệp đánh giá cao thông qua việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ. Thu nhập và đời sống của nhân dân được cải thiện, nâng lên. An sinh xã hội được đảm bảo. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, chính trị, xã hội ổn định.

Ghi nhận công lao đóng góp và thành tích của những người làm công tác Văn phòng trong những năm qua, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và UBND tỉnh đã tặng thưởng Văn phòng UBND nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt:

- Năm 1997: Được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen

- Năm 1999: Được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba

- Năm 2005: Được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai

- Năm 2014: Được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Và từ năm 1997 đến nay, tập thể Văn phòng UBND tỉnh và nhiều cá nhân của cơ quan đã được Chính phủ, nhiều Bộ, ngành Trung ương tặng thưởng nhiều Bằng khen.

Nhiều tập thể cá nhân được: Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

 CÁC HÌNH THỨC ĐÃ ĐƯỢC KHEN THƯỞNG

Danh hiệu thi đua :

Năm

Danh hiệu

thi đua

Số, ngày, tháng, năm của quyết định công nhận danh hiệu thi đua; cơ quan ban hành quyết định

Năm 2007

“Tập thể Lao động xuất sắc”

Quyết định số 1542/QĐ-CT ngày 15/5/2008;

Năm 2008

 

“Tập thể Lao động xuất sắc”

Quyết định số 1543/QĐ-CT ngày 26/5/2009của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

 

Năm 2009

“Tập thể Lao động xuất sắc”

Quyết định số 211/QĐ-CT ngày 27/01/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

 

Hình thức khen thưởng:

Năm

Hình thức

khen thưởng

Số, ngày, tháng, năm của quyết định khen thưởng; cơ quan ban hành quyết định

Năm 2010

Cờ Thi đua xuất sắc của tỉnh

Quyết định số 58/QĐ-CT ngày 13/01/2011 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ

Năm 2011

Cờ Thi đua của Chính phủ

Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ

Năm 2012

Cờ Thi đua xuất sắc của tỉnh

Quyết định số 222/QĐ-CT ngày 24/01/2013 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Năm 2013

Bằng khen

Quyết định số 177/QĐ-CT ngày 17/01/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Năm 2014

Huân chương Lao động hạng nhất

Quyết định 1847/QĐ-CTN ngày 04/8/2014 của Chủ tịch nước

 

          Nối tiếp và phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Văn phòng  đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và đặc biệt là sự nghiệp đổi mới trong giai đoạn cách mạng hiện nay; mỗi tập thể và cá nhân Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; góp phần cùng với các đơn vị trong tỉnh “Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta…” như lời Hồ Chủ tịch căn dặn khi Người về thăm Vĩnh Phúc./.

 

 

 

Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
 Liên kết website
Thống kê truy cập
Thống kê: 620.270
Online: 28