Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030”, Vĩnh Phúc đã không ngừng nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) để phục vụ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư.
Cán bộ Trung tâm Hạ tầng thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra hệ thống máy chủ, hệ thống mạng của trung tâm dữ liệu tỉnh.
Hạ tầng CNTT là một trong những yếu tố cơ sở nền tảng để hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác CSDLQG về dân cư. Để xây dựng hạ tầng CNTT đảm bảo đồng bộ, tương thích, vận hành thông suốt, các sở, ngành, đơn vị chức năng đã thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm như đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại theo đúng quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh và ngành dọc Trung ương, trong đó, ưu tiên xây dựng, hoàn thiện hạ tầng phục vụ triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06; thường xuyên giám sát, đánh giá và nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ Đề án 06…
Tháng 10/2023, Vĩnh Phúc hoàn thiện tính năng số hóa hồ sơ và kết nối với kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các chức năng, xây dựng tài liệu hướng dẫn số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hướng dẫn lưu kho để tổ chức, công dân có thể tái sử dụng.
Đến nay, hệ thống hạ tầng CNTT của tỉnh đã hoàn thành việc kiểm tra kết nối an toàn thông tin với Bộ Công an, cơ bản đủ điều kiện đáp ứng kết nối CSDLQG về dân cư để phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ thống máy chủ cài đặt phần mềm hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh hiện đang đặt tại Trung tâm dữ liệu IDC Nam Thăng Long của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Máy chủ Secure Server (hỗ trợ kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với CSDLQG về dân cư) đặt tại Trung tâm Hạ tầng thông tin của tỉnh.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh có kết nối với nền tảng chia sẻ định danh (VNConnect), công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử cấp bởi Bộ Công an để đăng nhập, sử dụng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Vĩnh Phúc.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh hiện đã được kết nối với 22 hệ thống thông tin, thiết bị khác, gồm 11 hệ thống của Trung ương, 8 hệ thống của tỉnh và 3 hệ thống khác phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (gồm Zalo, bàn ký điện tử, hệ thống biên lai điện tử).
Công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống để phục vụ kết nối chia sẻ với CSDLQG về dân cư được quan tâm và thực hiện nghiêm túc; các quy định về đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống từ tỉnh đến cơ sở kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư được thực hiện nghiêm ngặt.
UBND tỉnh, Công an tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thành lập các tổ công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an triển khai giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn; thường xuyên tổ chức nhiều đoàn, tổ kiểm tra công tác đảm bảo an ninh an toàn thông tin hệ thống triển khai thực hiện Đề án 06.
Riêng tổ an ninh, an toàn thông tin của Công an tỉnh trong năm 2023 đã tổ chức kiểm tra 2 lượt định kỳ, 1 lượt đột xuất đối với hệ thống máy phục vụ triển khai, thực hiện Đề án 06 tại các đơn vị của Công an tỉnh và các sở, ban, ngành địa phương thuộc tỉnh, với tổng số 998 máy được kiểm tra.
Sau 2 năm triển khai, Đề án 06 đang dần chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn ứng dụng các tiện ích của CSDLQG về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và định danh xác thực điện tử vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Để hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 trong giai đoạn mới.