Chiều 26/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có cuộc họp khẩn bàn các giải pháp khắc phục hậu quả sau mưa lũ.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đợt mưa từ ngày 21/5 đến 13 giờ ngày 26/5/2022 là đợt mưa lũ lịch sử cao nhất kể từ năm 1978 đến nay, trong đó, các địa phương có lượng mưa cao nhất là Tam Đảo: 937 mm, thành phố Vĩnh Yên: 506 mm, huyện Tam Dương và huyện Bình Xuyên trên 480 mm khiến 2 người chết, 1 người bị thương, gây thiệt hại nặng về lúa, hoa màu, thủy sản, làm sạt lở một số tuyến đường và gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

 Mưa lớn cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của 14 doanh nghiệp thứ cấp ở khu công nghiệp Bình Xuyên 2. Mực nước tại các hồ chứa lớn đều vượt ngưỡng và phải xả tràn; các trạm bơm tiêu cũng vận hành hết công suất để tiêu úng, cứu hoa màu.

Theo thông tin dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước lũ sông Cầu sẽ xuống chậm, ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của sông Phan, sông Cà Lồ, vì vậy tình hình ngập úng trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì trong những ngày tới.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tính toán lưu lượng xả tràn các hồ Đại Lải, Thanh Lanh, Xạ Hương hợp lý để giảm áp lực ngập úng cho vùng hạ du thành phố Vĩnh Yên, huyện Bình Xuyên. Tăng cường chỉ đạo, khoanh vùng bơm tiêu máy bơm dã chiến thoát cục bộ cho các vùng ngập úng; vận hành tối đa công suất các trạm bơm tiêu ra sông Lô, sông Phó Đáy. Trong trường hợp không mưa, xem xét dừng vận hành trạm bơm tiêu Cao Đại để giảm lượng nước đổ vào sông Phan, giảm ngập úng cho các vùng: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Vĩnh Yên.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước cho biết, hiện Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kiện toàn, bổ sung. Đồng thời, yêu cầu các thành viên ban chỉ đạo, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố rà soát tất cả các phương án, kịch bản, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống lụt bão, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân; tạm thời dừng tất cả các công việc chưa cần thiết để chuẩn bị các phương án cho công tác phòng, chống lụt bão.

Đồng chí Nguyễn Văn Khước giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương rà soát lại các công trình phòng, chống thiên tai, các công trình hồ chứa nước; dự trù mua sắm các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp hướng dẫn các cấp, các ngành các phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Công an tỉnh bảo đảm tình hình an ninh trật tự trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công an tỉnh kịp thời điều tiết, phân luồng các tuyến giao thông, không để ùn tắc giao thông. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội bảo đảm hợp đồng chặt chẽ nhân lực cho công tác phòng, chống thiên tai; chủ động tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình không may bị nạn. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị viễn thông thường xuyên gửi tin nhắn thời tiết đến nhân dân; các cơ quan báo chí cập nhật thông tin, diễn biến tình hình mưa bão, các biện pháp chỉ đạo của tỉnh. Sở Công thương chủ động xây dựng các phương án bảo đảm an toàn lưới điện và bảo đảm giá cả hàng hóa không leo thang. Các công ty thủy lợi tăng cường kiểm tra, khơi thông các luồng tiêu thoát nước.

Nguồn: vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 1.099.901
      Online: 17