Sáng 18/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Vĩnh Phúc và Chi nhánh Phúc Yên tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng, nắm bắt khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân sách; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2024. Dự hội nghị có đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ với lãi suất hợp lý. Đến hết năm 2023, tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh đạt 128.162 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt gần 10,7%. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi hoạt động, đổn định sản xuất và mở rộng kinh doanh.
Năm 2024, ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc dự kiến tăng trưởng tín dụng từ 10 - 12% với khoảng 15.380 tỷ đồng đưa thêm vào nền kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh tiếp cận vốn vay. Đến hết tháng 6/2024, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 131.594 tỷ đồng, tăng 2,68% so với cuối năm 2023.
Riêng tại 2 Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc và Chi nhánh Phúc Yên, thông qua các hoạt động kết nối doanh nghiệp, 6 tháng đầu 2024 đã cho vay 856 khách hàng doanh nghiệp với tổng dư nợ đạt 8.037 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vũ Việt văn khẳng định: Hội nghị là sự kiện quan trọng để chính quyền và ngành Ngân hàng kịp thời nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp, nhất là nhu cầu về vốn vay, từ đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc phục hồi, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cũng là cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp kết nối với các tổ chức tín dụng trong việc tiếp cận nguồn vốn cũng như lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các hội, hiệp hội và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh liên quan đến nguồn vốn tín dụng tại các ngân hàng.
Đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh yêu cầu bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra, thời gian tới, các sở, ban, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng trong khuôn khổ pháp luật quy định. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chủ động rà soát, đánh giá chất lượng tín dụng và công tác xử lý nợ xấu; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán tiền mặt, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số; bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đỏi số.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, xem xét cho vay phù hợp với tình hình hoạt động và nhu cầu của doanh nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đã phân tích, làm rõ kết quả đạt được; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cần nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất một số giải pháp như: Tăng tỷ lệ tín chấp; xem xét điều kiện tín dụng sát với điều kiện của doanh nghiệp; nới thời hạn vay vốn, tạo điều kiện giải ngân oline; điều chỉnh lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp; nâng mức cho vay cho các tài sản do doanh nghiệp thuê lại...
Trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, ngành Ngân hàng khẳng định sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của doanh nghiệp để có nghiên cứu, đề xuất đưa ra các giải pháp thực hiện hỗ trợ phù hợp nhất, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi để ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2024.