Trong bối cảnh tất cả các địa phương đều chuyển động, có giải pháp căn cơ để cải thiện môi trường đầu tư; duy trì, thăng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thì việc nâng hạng, quay trở lại vị trí top dẫn đầu PCI của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024 là điều không hề đơn giản.

Chỉ rõ nguyên nhân tụt hạng PCI

Xác định PCI là thước đo quan trọng, khách quan nhất trong đánh giá chất lượng điều hành kinh tế - xã hội, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án nhằm cải thiện môi trường đầu tư, như: Nghị quyết số 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2021; Đề án cải thiện môi trường đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2013 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 1774 về phê duyệt Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, phê duyệt đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030; ký thỏa thuận hợp tác và cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Giao từng sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra từng chỉ số thành phần; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng.

Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công
một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện thứ hạng PCI

Theo thống kê, trong 18 năm Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Vĩnh Phúc có 9 năm nằm trong top 10; 6 năm nằm trong top từ 10 - 20; 3 năm nằm trong top từ 20 - 50. Riêng năm 2023, PCI của tỉnh giảm cả về điểm số, thứ hạng và không đạt mục tiêu nằm trong top 10 đề ra. Cụ thể, năm 2023, Vĩnh Phúc đạt 68,81 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố về PCI, giảm 0,1 điểm và 7 bậc so với năm 2022. Đặc biệt, trong 10 chỉ số thành phần, chỉ có 4 chỉ số tăng điểm, tăng thứ hạng; 01 chỉ số giảm điểm nhưng tăng thứ hạng và 5 chỉ số giảm điểm, giảm cả thứ hạng.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tụt hạng PCI là do chất lượng công tác tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính qua Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và bộ phận một cửa của một số cơ quan, địa phương còn chậm. Thời gian giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; thời gian cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội và đăng ký sử dụng hóa đơn cho doanh nghiệp còn kéo dài. Cùng với đó, tính năng động, tiên phong của các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành trong giải quyết những điểm nghẽn chưa có nhiều cải thiện; các hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền các cấp với doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp. Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp cho rằng họ vẫn phải dùng “mối quan hệ” mới tiếp cận được thông tin về kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và rất khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.

“Lội dòng” PCI từ chỉ số điểm thấp

Từ việc xác định rõ các nguyên nhân, nút thắt khiến PCI của tỉnh tụt hạng, ngay sau hội nghị công bố kết quả xếp hạng của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các sở, ngành được giao chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc từng chỉ số thành phần PCI đã tập trung đánh giá nguyên nhân tụt hạng, nhất là đối với 5 chỉ số giảm điểm, giảm thứ hạng, gồm: Chỉ số gia nhập thị trường, đạt 7,32 điểm, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành; chỉ số tính minh bạch, đạt 5,76 điểm, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành, tụt 18 bậc; chỉ số tính năng động, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành; chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp xếp thứ 50/63 tỉnh, thành, giảm 46 bậc; chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, xếp vị trí 8/63 tỉnh, thành, tụt 3 bậc và không đạt mục tiêu xếp vị trí thứ 5 như đề ra.


Thắng thắn nhìn nhận và đưa ra các giải pháp để nâng hạng PCI, nhất là chỉ số cơ quan phụ trách theo dõi là chỉ số gia nhập thị trường, đồng chí Phạm Quang Thắng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tỉnh cần tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch, giảm chi phí thời gian và chi phí không chính thức, tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Chú trọng phát huy và triển khai hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và bộ phận một cửa ở các địa phương. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với một số thủ tục hành chính. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư cả tại chỗ và ở nước ngoài; thường xuyên cập nhật thông tin, bổ sung cơ sở dữ liệu bộ tài liệu xúc tiến đầu tư của tỉnh. Riêng đối với chỉ số gia nhập thị trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp, điều chỉnh đăng ký doanh nghiệp; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện nhanh các thủ tục hành chính đăng ký kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng; nâng cao trình độ, tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ một cửa. Tăng cường công khai, minh bạch các thủ tục hành chính có liên quan đến đăng ký doanh nghiệp.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao và để tặng hạng chỉ số phụ trách theo dõi, đôn đốc, kiểm tra là chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tụt hạng tới 46 bậc, đại diện Sở Công Thương cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cắt giảm các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp; thực hiện niêm yết, công khai các thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử các sở, ngành, địa phương và tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh tới các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng trang thông tin thương mại điện tử; giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay. Đôn đốc các chủ đầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư. Tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận các thông tin, cơ chế, chính sách của Nhà nước; thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn để có giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Để cải thiện thứ hạng, quay trở lại top 10 về PCI trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tại buổi làm việc với các sở, ban, ngành, điạ phương để đánh giá, tìm giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số Xanh sáng 16/5/2024, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vũ Việt Văn yêu cầu, các sở, ban, ngành tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; tập trung xây dựng kế hoạch, giải pháp cải thiện đối với 10 chỉ số thành phần PCI. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện khảo sát, tổng hợp báo cáo đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) hằng năm sớm hơn để có căn cứ triển khai những giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần PCI; hằng quý báo cáo UBND tỉnh về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đề xuất hướng giải quyết.

Các sở, ban, ngành phụ trách theo dõi, đôn đốc các chỉ số đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của các chỉ số PCI để từ đó có những hành động, giải pháp thiết thục, góp phần cải thiện các chỉ số thành phần.

Nguồn:vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 1.098.118
      Online: 37