Sáng 17/1, Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì hội nghị.
Dự tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang phát biểu chỉ đạo sau hội nghị
Năm 2023, công tác phòng, chống tội phạm và chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả được tăng cường, cả nước đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ việc, đường dây, đối tượng vi phạm, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong năm, toàn quốc xảy ra 58.086 vụ phạm tội về trật tự xã hội, tăng 0,07% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, nổi lên là nhóm tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản; tội phạm sử dụng công nghệ cao; mua bán người trong nội địa và ra nước ngoài; vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; vi phạm pháp luật về ma túy...
Năm 2023, Bộ Công an đã điều tra, khám phá 44.733 vụ phạm tội về trật tự xã hội (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao 2,01%); triệt xóa 126 băng nhóm tội phạm có tổ chức; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 4.511 đối tượng truy nã; tiếp nhận 100% tin báo, tố giác tội phạm; phát hiện, xử lý 4.452vụ, 6.334 đối tượng phạm tội về kinh tế; 868 vụ, 2.293 đối tượng phạm tội về tham nhũng, chức vụ; phát hiện, xử lý 659 vụ, 15 tổ chức, 791 cá nhân phạm tội về môi trường, an toàn thực phẩm; phát hiện, xử lý 27.333 vụ, 42.977 đối tượng phạm tội về ma túy…
Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 146.600 vụ vi phạm, tăng 4,95% so với cùng kỳ. Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 11.499 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, giảm 3,73% so với cùng kỳ; 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế, tăng 4,51% so với cùng kỳ; 5.464 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tăng 48% so với cùng kỳ; thu nộp ngân sách Nhà nước trên 14.570 tỷ đồng, tăng 14,97% so với cùng kỳ; khởi tố hình sự 616 vụ, giảm 4,05% so với cùng kỳ, 724 đối tượng, tăng 0,56% so với cùng kỳ.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng đã làm rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2024.
Ghi nhận và biểu dương về những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận, thương mại và hàng giả, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 mà Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đề ra, các bộ, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát khó khăn, vướng mắc, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường quản lý, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật, pháp luật, bao che, tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đặc biệt trong việc phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; đẩy mạnh công tác phòng ngừa kết hợp tuyên truyền để người dân hiểu đúng hơn về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận, thương mại, hàng giả. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhất là Đề án 06 trong đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao đang ngày một tinh vi; cần phát huy hiệu quả cơ chế thu thập thông tin kịp thời trong thực hiện nhiệm vụ.
Phát biểu chỉ đạo sau hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương; thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó có đánh giá các vấn đề như khó khăn nguồn hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán; kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng, tình trạng buôn lậu, pháo lậu.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh Tết Nguyên đán là thời điểm nhạy cảm, Công an tỉnh cần chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ bảo đảm an ninh trật an toàn xã hội, mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung vào các loại tội phạm có nguy cơ phát sinh gia tăng vào dịp cuối năm như tín dụng đen, trộm cắp tài sản, các vi phạm về pháo, vật liệu nổ các loại…