Sáng 25/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương, sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án số 06); tổng kết hoạt động Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có các đồng chí: Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Ngọc Khoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Nguyễn Bá Hiến, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang, Giám đốc Công an tỉnh Đinh Ngọc Khoa
và Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Bá Hiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc.

 

Công tác chỉ đạo triển khai Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt; hoàn thành xây dựng 4 nghị định của Chính phủ, 2 thông tư của Bộ Công an, 3 thông tư của Bộ Tài chính quy định các nội dung liên quan đến Đề án 06, nhất là thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử; hoàn thành 8/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422 của Chính phủ. Riêng ngành Công an đã cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có nhiều nội dung rất thiết thực, được người dân đón nhận. Đến nay, cả nước đã cung cấp trên 76,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; thu nhận hơn 18,7 triệu hồ sơ đăng ký và phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân.

Công tác ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã bước đầu triển khai, góp phần làm sạch thông tin tín dụng ngân hàng để kiểm soát, đánh giá rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp; cung cấp 8 sản phẩm dữ liệu dân cư cho cơ quan, tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; ứng dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử tại 94% cơ sở y tế. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 12 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 31 địa phương; tiếp nhận hơn 819 triệu yêu cầu tra cứu, xác thực, đồng bộ thông tin, trong đó có gần 572 triệu yêu cầu có thông tin khớp.

Thực hiện Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022, đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành 9/12 chỉ tiêu. Trong tổng số 107 nhiệm vụ, Chính phủ giao các bộ, ngành 44 nhiệm vụ và mỗi địa phương 1 nhiệm vụ. Đến nay, các sở, ngành đã hoàn thành 42/44 nhiệm vụ; 59/63 địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ năm 2022. Các bộ, ngành, địa phương đã lựa chọn ngày Chuyển đổi số quốc gia và tổ chức các hoạt động hưởng ứng thực hiện; xây dựng kênh truyền thông Chuyển đổi số quốc gia trên Zalo; tổ chức Cuộc thi sáng tác biểu trưng Chuyển đổi số quốc gia… Đến nay, 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm và kế hoạch hành động năm 2022; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Tỉnh ủy, Thành ủy về chuyển đổi số.

Hạ tầng số được đẩy mạnh, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 79,95 Mbps, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2021, xếp thứ 45 và cao hơn mặt bằng chung của thế giới là 71,39 Mbps; tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 39,48 Mbps, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021, xếp thứ 52 và cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới là 33,17 Mbps. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.152 thôn bản trên cả nước, đạt 99,73%, tăng 1,9% so với đầu năm 2021. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số. An toàn, an ninh mạng được bảo đảm; năm 2022, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 12.195 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 25,3% so với năm 2021. Tính đến tháng 12/2022, tổng số hạ tầng thông tin của cả nước là 3.086, trong đó số hạ tầng thông tin được phê duyệt là 1.732 hệ thống, đạt tỷ lệ 56,1%. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, mạng đã kết nối đến 100% huyện, 100% xã trên toàn quốc. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) tiếp tục phát huy hiệu quả để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; đã kết nối với hơn 90 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong năm 2022 đạt khoảng 860 triệu giao dịch, gấp hơn 4,8 lần so với cả năm 2021. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%. Ước tính năm 2022, tỷ trọng kinh tế số ước đạt 14,18% GDP; số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng gần 6.200 doanh nghiệp so với tháng 12/2021.

Ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được sau 1 năm thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và Đề án 06, đồng thời, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy nhiệm vụ chuyển đổi số nhằm giảm bớt khó khăn, tạo thời cơ thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023; huy động sức mạnh tổng lực, cả hệ thống chính trị để hoàn thành nhiệm vụ, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm, bảo đảm phương châm “đúng, đủ, sạch, sống” và an toàn thông tin. Đồng thời, thực hiện một cách bài bản, tránh tính hình thức; phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, chủ thể, là người được thụ hưởng những thành quả, lợi ích từ chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường nhận thức, quyết liệt triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số và Đề án 06; kịp thời báo cáo các cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc nảy sinh để khắc phục hiệu quả; ban hành kế hoạch thực hiện cần thực chất, tránh hình thức, gắn kết chặt chẽ các nguồn lực để thực hiện. Đồng thời, chủ động hướng dẫn tổ chức triển khai số hóa dữ liệu; thường xuyên đánh giá thông qua mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh xây dựng cập nhật liên thông kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Cùng với đó, tập trung hoàn thiện nền tảng dịch vụ công trực tuyến; hoàn thiện triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu; số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh thương mại điện tử; phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng; tập trung xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Năm 2023 là năm xây dựng dữ liệu, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng và kết nối dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia; quyết tâm xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp tham gia nhiệm vụ này.  

Nguồn: www.vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 965.091
      Online: 22