Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Vì vậy, các cấp, ngành chức năng luôn chú trọng triển khai thường xuyên, liên tục các giải pháp đồng bộ để đảm bảo, thúc đẩy hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân nộp hồ sơ, thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Xác định việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến để tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính ở mức độ cao là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính phủ số, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác cung cấp, khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, đồng thời chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, yếu kém.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, ngành chức năng, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; các trường hợp đủ điều kiện nộp hồ sơ trực tuyến đều được cơ quan, đơn vị chức năng hướng dẫn tạo lập tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến.

Công tác số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối, chia sẻ dữ liệu thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được chú trọng thực hiện. Các cơ quan trong hệ thống chính trị của tỉnh đã hình thành, phát triển được nhiều cơ sở dữ liệu ngành quan trọng, trong đó, có hệ thống dữ liệu phục vụ dịch vụ công.

Chỉ tính riêng dữ liệu đang được lưu trữ tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh để phục vụ các cơ quan trong hệ thống chính trị đã đạt 650TB. Hiện có 2 cơ sở dữ liệu đặc biệt quan trọng là dân cư và đất đai đang được hình thành theo hướng đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Để đảm bảo an toàn thông tin, tài chính cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến, các bộ phận kĩ thuật thường xuyên kiểm tra, đảm bảo an toàn an ninh thông tin, an ninh mạng cho các hạ tầng nền tảng, hạ tầng số, từ đó, bảo đảm môi trường giao dịch tin cậy và an toàn cho các cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp.

Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự chung tay của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng trong đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, số lượng dịch vụ công mức độ cao, các số lượng tài khoản đăng ký, số hồ sơ, lượt truy cập vào cổng dịch vụ công ngày càng tăng.

Tính đến hết tháng 11/2022, Vĩnh Phúc có 746 thủ tục hành chính là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (mức độ cao) được đồng bộ, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; đã triển khai thanh toán phí, lệ phí trực tuyến đối với tất cả các dịch vụ có phát sinh phí, lệ phí.

Trong tháng 11/2022, toàn tỉnh có 17 cơ quan, đơn vị là các sở, ban, ngành của tỉnh phát sinh hồ sơ nộp trực tuyến. Tại các sở, ban, ngành và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh có gần 4.400 hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trung bình đạt 21,09% trên tổng số hồ sơ giải quyết của các sở, ban, ngành tiếp nhận, giải quyết (tăng 4,19% so với tháng 10/2022).

Tại bộ phận một cửa UBND cấp huyện, 9/9 huyện, thành phố phát sinh hồ sơ nộp trực tuyến với tổng số hơn 22.000 hồ sơ mức độ 3 và mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trung bình đạt 83,83% trên tổng số hồ sơ giải quyết của các huyện, thành phố tiếp nhận, giải quyết (tăng 34,01% so với tháng 10/2022).

Các dịch vụ công trực tuyến đã phát huy hiệu quả, tăng tính công khai, minh bạch của các thủ tục hành chính; giúp người dân, doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí đi lại, nhận kết quả khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Hiệu quả công tác khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Vĩnh Phúc cũng nhận được đánh giá cao từ người dân, doanh nghiệp. Theo xếp hạng Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến hết tháng 11/2022, Vĩnh Phúc đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả khai thác, cung cấp, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, các cơ quan, đơn vị chức năng sẽ chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; đảm bảo an toàn, an ninh mạng; tiếp tục mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, góp phần cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tiến độ xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số.

Nguồn: baovinhphuc.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 618.576
      Online: 33