Trong xu thế chuyển đổi số (CĐS) phát triển mạnh mẽ, không chỉ doanh nghiệp (DN) mà chính quyền các cấp cũng hướng đến mục tiêu trở thành chính quyền số. Đây là cơ hội vô cùng to lớn trên phương diện kinh tế và xã hội. Việc ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến để đơn giản hóa, hợp lý hóa quá trình tương tác, trao đổi đã và đang góp phần tích cực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh với các địa phương trong cả nước, giữa các quốc gia và giữa cộng đồng DN. Đồng thời, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế Vĩnh Phúc trong tiến trình hội nhập.

Công ty Điện lực Vĩnh Phúc tích cực đầu tư công nghệ, số hóa hệ thống điều hành, quản lý, nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện

Sau 2 năm tổn thất nghiêm trọng bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng như được “hồi sinh”. Một trong những giải pháp giúp ngành du lịch phục hồi và “cất cánh” phải kể đến CĐS.

Cùng với việc ban hành các cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các khu du lịch trọng điểm, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển thị trường, sản phẩm du lịch; khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm, hình thái du lịch.

Đặc biệt, việc quảng bá du lịch được tăng cường bằng nhiều hình thức thông qua các nền tảng công nghệ thông tin, truyền thông và trải nghiệm. Đã xuất hiện nhiều đơn vị hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch chuyển từ mô hình kinh doanh du lịch truyền thống sang mô hình kinh doanh du lịch hiện đại theo chuỗi mô hình ứng dụng công nghệ số.

Nhờ lợi ích của công nghệ, cùng sự hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh, ngành du lịch Vĩnh Phúc đã và đang chủ động tiếp cận và tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; từng bước phát huy được tiềm năng, thế mạnh.

Theo kết quả xếp hạng CĐS của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, Vĩnh Phúc xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, tăng 43 bậc so với năm 2020.

Đặc biệt, trong 6 chỉ số chính thuộc nhóm chỉ số nền tảng chung, Vĩnh Phúc xếp thứ nhất về chỉ số thể chế số. Đây là kết quả từ sự quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy CĐS toàn diện của tỉnh trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; có ưu tiên lựa chọn những công việc đột phá, tạo cơ sở, nền tảng CĐS nhanh, bền vững.

Trong đó, việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, kiến tạo thể chế số được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, tiên quyết trong quá trình thực hiện CĐS, giúp đẩy nhanh tiến trình CĐS trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; tạo môi trường pháp lý và các nguồn lực thúc đẩy CĐS.

Với gần 3.000 trạm thu phát sóng thông tin di động, 100% phủ sóng di động 3G, 4G cùng 2 trạm 5G của Viettel; hơn 1,2 triệu thuê bao điện thoại di động, 225.500 thuê bao internet băng rộng cố định và 800.500 thuê bao in-tơ-nét băng rộng di động…, người dân Vĩnh Phúc đã dần quen với các hình thức giao dịch, giao tiếp trên nền tảng CĐS và sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới từ CĐS.

Các văn bản, giấy tờ chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện dưới dạng văn bản điện tử; tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của tỉnh đạt 98,5%.

Tỉnh đã kết nối 744 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia với gần 8.200 giao dịch thanh toán trực tuyến qua nền tảng thanh toán của Cổng dịch vụ công quốc gia.

100% DN sử dụng hóa đơn điện tử; khoảng 4.000 DN sử dụng các nền tảng số; 100% cơ sở giáo dục thực hiện khai thác, sử dụng dữ liệu trực tuyến dùng chung trên các nền tảng số…

Tuy nhiên, cùng với việc mở cơ hội cho sự phát triển bền vững, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà cụ thể công cuộc CĐS cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế của tỉnh.

Quá trình CĐS, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số ở Vĩnh Phúc còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tình hình thực tiễn và tiềm năng về KT- XH của tỉnh.

Việc chủ động, triển khai nhiệm vụ CĐS liên quan đến lĩnh vực, ngành, địa phương còn hạn chế. Hạ tầng số của tỉnh vẫn chưa thực sự tiếp cận công nghệ hiện đại; mạng viễn thông thế hệ mới 5G mới chỉ ở bước khởi đầu.

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu và chưa đáp ứng về năng lực, trình độ. Việc tích hợp, đồng bộ, thống nhất kết nối, hướng đến xây dụng hệ thống chính trị điện tử, hệ thống chính trị số còn nhiều khó khăn, bất cập...

Nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết số 52/2019 của Bộ Chính trị và Quyết định số 2289/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.

Các nội dung Kế hoạch được triển khai vào thực tiễn hoàn toàn phù hợp với điều kiện của tỉnh trong từng giai đoạn đến năm 2030.

Trong đó, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu để các sở, ban, ngành và địa phương từng bước đổi mới tư duy quản lý theo cách tiếp cận mở, tạo thuận lợi cho DN thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ tích cực tham gia và tận dụng hiệu quả các cơ hội, thành tựu tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việc giao nhiệm vụ cụ thể căn cứ theo chức năng, điều kiện thực tiễn sẽ phát huy tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, cơ quan, tổ chức, DN trong việc nắm bắt, tận dụng hiệu quả cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ trong hoạt động để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế Vĩnh Phúc trong giai đoạn đến năm 2030.

Cùng với thực hiện quyết liệt các giải pháp, đây sẽ là căn cứ pháp lý để đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân; khuyến khích người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền CĐS mạnh mẽ hơn, tạo tiền đề thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong giai đoạn mới.

Nguồn: baovinhphuc.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 619.910
      Online: 35