Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, cùng với các giải pháp của cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể, công an cơ sở phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai mô hình, tổ công nghệ số tại những địa điểm công cộng và khu dân cư nhằm tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số và hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến đến người dân.
Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng định danh điện tử VneID tại phố đi bộ và ẩm thực Ngô Quyền (Vĩnh Yên).
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án số 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị triển khai mô hình tuyên truyền về chuyển đổi số tại những địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người.
Vừa qua, khi phố đi bộ và ẩm thực Ngô Quyền (Vĩnh Yên) đi vào hoạt động, tuổi trẻ Công an tỉnh phối hợp với Thành Đoàn Vĩnh Yên tổ chức mô hình tuyên truyền về chuyển đổi số tới các tầng lớp nhân dân.
Hàng chục đoàn viên, thanh niên công an đã tình nguyện nhận nhiệm vụ tuyên truyền để người dân hiểu được tiện ích của tài khoản định danh điện tử và hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng định danh điện tử (VneID) mức 1; nếu cần mức 2 đề nghị công dân mang các giấy tờ liên quan đến cơ quan công an các huyện, thành phố, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH, Công an tỉnh để kích hoạt.
Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên cũng tích cực hướng dẫn người dân chủ động đề nghị lực lượng chức năng cấp CCCD gắn chíp điện tử và tài khoản định danh điện tử, tiến tới triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020 về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022.
Thiếu tá Đỗ Văn Cường, Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh cho biết: Nhận thấy việc triển khai Đề án số 06 trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ kích hoạt thành công tài khoản định danh điện tử chưa cao; thực hiện các dịch vụ công trực tuyến còn thấp, do người dân còn chưa nắm rõ các thao tác khi đăng nhập, sử dụng các ứng dụng về dịch vụ trực tuyến.
Do đó, BCH Đoàn thanh niên Công an tỉnh đã tham mưu Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh phê duyệt và triển khai chương trình thanh niên Công an tỉnh xung kích tuyên truyền về chuyển đổi số. Trong đó, tập trung chỉ đạo cơ sở đoàn thành lập các điểm tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt ứng dụng VneID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Ngoài ra, Đoàn thanh niên công an các đơn vị chủ động xây dựng các tin, bài tuyên truyền về công tác chuyển đổi số trên các trang tin điện tử của ngành. Tuổi trẻ Công an tỉnh tiếp tục duy trì chương trình tuyên truyền về chuyển đổi số tại phố đi bộ và ẩm thực Ngô Quyền vào buổi tối thứ bảy hằng tuần; đoàn cơ sở chú trọng tổ chức nhiều mô hình tuyên truyền về chuyển đổi số hướng về khu dân cư…
Thực hiện kế hoạch cao điểm “90 ngày đêm” triển khai các giải pháp đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai các quy định của Luật Cư trú năm 2020, Công an các huyện, thành phố đã thí điểm xây dựng các mô hình điểm về đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Hiện tại, đã có 6 đơn vị công an cấp xã triển khai xây dựng thành công mô hình điểm về đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Với đặc điểm dân số đông, kinh doanh, buôn bán sầm uất, do đó, nhu cầu thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cao, Ban Chỉ đạo Đề án 06 UBND thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc) tổ chức thí điểm xây dựng mô hình “Thị trấn điển hình về thực hiện dịch vụ công trực tuyến”.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể và công an địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của Đề án 06, tiện lợi của thẻ CCCD gắn chíp, tài khoản định danh điện tử và các dịch vụ công trực tuyến đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và người dân để tạo sức lan tỏa, nâng tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trong thời gian tới.
Đồng thời, tuyên truyền tổ chức, cá nhân nắm rõ 7 phương thức chứng minh thông tin cư trú thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi giải quyết thủ tục hành chính và giao dịch dân sự sau ngày 31/12/2022.
Tuy mới đi vào hoạt động trong thời gian ngắn, song đến nay, mô hình “Thị trấn điển hình về thực hiện dịch vụ công trực tuyến” đã tạo thuận lợi lớn cho công dân thị trấn Yên Lạc trong thực hiện các giao dịch hành chính.
Bà Nguyễn Thị Nhung (thị trấn Yên Lạc) chia sẻ: “Trước sự phát triển của công nghệ thông tin, việc thực hiện các giao dịch hành chính trên môi trường mạng là tất yếu. Được sự tuyên truyền của cán bộ địa phương và hướng dẫn nhiệt tình của công an thị trấn, đến nay, các thành viên trong gia đình tôi đều sử dụng nhiều dịch vụ công trên môi trường mạng như thông báo lưu trú; đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông; cấp đổi giấy phép lái xe; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa…
Mọi khó khăn, vướng mắc đều được các cán bộ địa phương giải đáp một cách dễ hiểu, dễ thực hiện; giúp tỷ lệ giải quyết các thủ tục hành chính công đạt cao, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân”.
Nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến, thực hiện hiệu quả Đề án số 06, công an các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tiếp tục tham mưu UBND các cấp triển khai xây dựng đồng loạt mô hình về đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, phục vụ tốt nhất nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của nhân dân.
Tuổi trẻ Công an tỉnh xung kích đảm nhận các “khâu yếu, việc khó, việc mới”, mở rộng các điểm tuyên truyền kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID. Thành lập các tổ truyền thông đến các điểm trường, cộng đồng dân cư để tuyên truyền cho các cơ quan, tổ chức, nhân dân cách thức kích hoạt tài khoản định danh điện tử…