Sáng 8/8/2022, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số họp phiên thứ 3 theo hình thức trực tuyến, sơ kết công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.
Báo cáo sơ kết nhiệm vụ chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày cho biết, chủ đề chuyển đổi số năm 2022 là “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Thủ tướng Chính phủ quyết định ngày 10 tháng 10 là ngày Chuyển đổi số quốc gia. Có 7/63 địa phương đã lựa chọn ngày chuyển đổi số địa phương, trong đó 2 địa phương chọn ngày chuyển đổi số địa phương trùng ngày chuyển đổi số quốc gia, 5 địa phương chọn ngày chuyển đổi số riêng.
Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chỉ đạo chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và là động lực của chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban đã cụ thể hóa chủ trương này. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản hướng dẫn đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam năm 2022. Đến nay, có 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm; 19/22 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành kế hoạch hành động năm 2022; 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành nghị quyết, chỉ thị, văn bản của tỉnh ủy, thành ủy về chuyển đổi số; 62/63 tỉnh, thành phố ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm; 52/63 địa phương ban hành kế hoạch năm 2022.
6 tháng đầu năm, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 71,79 Mbps, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 35,29 Mbps, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 477/832 thôn lõm sóng viễn thông. Số thuê bao di động sử dụng dịch vụ Mobile Money tăng 4 lần so với tháng 1/2022. 35/35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng, trong đó có 31 nền tảng số đã đưa vào sử dụng chính thức, 4 nền tảng số đang sử dụng thử nghiệm. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số; ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.641 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Doanh thu an toàn thông tin mạng đạt 1.418 tỷ đồng, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ nhóm sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng của Việt Nam so với 22 nhóm sản phẩm hệ sinh thái an toàn thông tin mạng đạt 95,5%.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát biểu tại điểm cầu Vĩnh Phúc
Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) tiếp tục phát huy hiệu quả để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Tổng giao dịch thực hiện thông qua NDXP 6 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 350 triệu giao dịch, tăng hơn 25 lần so với cùng kỳ năm 2021; trung bình hằng ngày có khoảng 1,9 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP. Cơ sở dữ liệu quốc gia được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Bộ Công an đã hoàn thành 9/11 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tích hợp thử nghiệm về mặt kỹ thuật, giải pháp đối với việc xác thực danh tính qua thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử trong giao dịch ngân hàng, khám chữa bệnh. Tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 đạt 97,3%. Từ khi khai trương đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.680 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Triển khai các ứng dụng quy mô quốc gia như trục liên thông văn bản quốc gia; hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia; trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; một số công cụ cải cách, giám sát việc thực thi và phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về kinh tế số, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm ước tính là 10,41%; 23/63 địa phương đã ban hành kế hoạch hành động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế; 28/63 địa phương đã ban hành kế hoạch hành động thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ 0,69 doanh nghiệp/1.000 dân. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%; 100% doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hoá đơn điện tử. Trong 5 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ 2021. 6 tháng đầu năm 2022, có thêm 3.378.742 hộ sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ lên hoạt động các sàn thương mại điện tử Việt Nam Postmart và Vỏ sò để bán nông sản, đưa tổng số hộ nông dân hoạt động trên các sàn này lên 4.416.413 hộ, với 146.610 loại sản phẩm được bán lên sàn.
Bên cạnh kết quả đạt được, nhiệm vụ chuyển đổi số 6 tháng đầu năm còn gặp khó khăn vướng mắc về nhân lực cho chuyển đổi số, thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao trong cơ quan nhà nước để tổ chức thực thi hoạt động chuyển đổi số; số lượng, chất lượng kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên về công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số; lực lượng lao động làm việc trong các ngành nghề khác nhau còn thiếu kỹ năng số trong thực hiện công việc. Về kinh phí cho chuyển đổi số, việc quản lý kinh phí chi đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin đã bộc lộ một số bất cập cần phải xem xét rà soát, nghiên cứu hướng sửa đổi, bổ sung. Hệ thống định mức, đơn giá về ứng dụng công nghệ thông tin chưa đầy đủ, cụ thể hoặc đang ở mức quá thấp cũng cần phải xem xét rà soát, nghiên cứu hướng sửa đổi, bổ sung. Thiếu cơ chế và công cụ theo dõi, giám sát, kiểm tra để bảo đảm việc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
Tại hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021. Theo đó, năm 2021 xếp hạng 17 bộ cung cấp dịch vụ công, 9 bộ không cung cấp dịch vụ công, trong đó Bộ Tài Chính xếp hạng nhất; Thành phố Đà Nẵng năm thứ 2 liên tiếp xếp hạng Nhất ở bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực kết quả của các bộ, ngành địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ ngành, địa phương nhìn nhận thẳng vào các tồn tại, hạn chế để nỗ lực khẩn trương khắc phục tạo chuyển biến đột phá. Tiếp tục đổi mới, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của cá nhân, tập thể trong chuyển đổi số để tạo lợi ích phục vụ tốt nhất cho nhân dân; tích cực đào tạo, tập huấn nhân lực; huy động nguồn lực; phát huy tổng lực các thế mạnh, lợi thế để thực hiện chuyển đổi số; tránh biểu hiện hình thức, nói phải đi đôi với làm, đưa ra nhiệm vụ phù hợp để thực hiện hiệu quả.
Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương vào cuộc tích cực, dành thời gian, bố trí nguồn lực, tạo phong trào thi đua trong thực hiện chuyển đổi số; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm an toàn thông tin; triển khai hiệu quả tổ chuyển đổi số cộng đồng. Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số; các cơ quan truyền thông vào cuộc mạnh mẽ, bố trí thời lượng hợp lý để tuyên truyền cho chuyển đổi số.
Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ tham mưu hiệu quả cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy nhanh triển khai hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia. Các địa phương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giúp người dân và doanh nghiệp sử dụng thuận lợi các ứng dụng, nền tảng số.