Mặc dù dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, số ca mắc mới Covid-19 giảm sâu; hiện, chỉ ghi nhận dưới 20 ca mắc/ngày, trong đó, đa số ca mắc đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Thực tế này đang dẫn đến tình trạng nhiều người chủ quan, không mặn mà với việc tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4). Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, dịch bệnh chưa phải đã chấm dứt hoàn toàn, các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 vẫn đang biến đổi khó lường, người dân nên tiêm vắc xin mũi nhắc lại ngay sau khi đủ điều kiện tiêm, để không bỏ lỡ cơ hội được bảo vệ liên tục.
Vũ khí chiến lược trong công tác phòng, chống dịch
Theo thống kê của Sở Y tế, với hơn 2,6 triệu liều vắc xin được Bộ Y tế cấp phát, tính đến nay, đã có hơn 790.000 người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh được tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đó, mũi 1 đạt 99,9%, mũi 2 đạt 99% trong tổng số người đủ điều kiện tiêm, mũi bổ sung là hơn 243.000 mũi, mũi nhắc lại lần 1 đạt hơn 77%, mũi nhắc lại lần 2 đạt hơn 4,1%.
Người dân xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4 tại Trạm Y tế xã. Ảnh: Dương Chung
Đối với trẻ từ 12-17 tuổi, đã cơ bản hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 và mũi 2, sắp tới, sẽ xây dựng kế hoạch triển khai tiêm mũi 3 ngay khi có chỉ đạo của Bộ Y tế. Đối với trẻ từ 5-11 tuổi, đã có gần 50.000 trẻ được tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đó, mũi 1 đạt 55%, mũi 2 đạt 18% trong tổng số trẻ đủ điều kiện tiêm.
Hiện tại, ngành Y tế đang phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai tiêm chủng cho các nhóm tuổi, đặc biệt là đẩy mạnh tiêm mũi 4 cho các nhóm đối tượng ưu tiên theo kế hoạch.
Đồng chí Trần Anh Tuấn, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y dược, Sở Y tế cho biết: "Thời gian gần đây, tỷ lệ người dân tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt thấp do nhiều nguyên nhân như nhiều người có thời gian mắc Covid-19 chưa đủ 3 tháng nên chưa đủ điều kiện tiêm mũi 4; một số người dân có tâm lý chủ quan, cho rằng số ca nhiễm tại cộng đồng thấp và đã tiêm 3 mũi, nếu mắc cũng chỉ có triệu chứng nhẹ không nguy hiểm; một số người dân tin vào các tin đồn thất thiệt cho rằng, khi tiêm vắc xin mũi 4 sẽ có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe về sau…
Tuy nhiên, hiện chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào khẳng định vắc xin phòng Covid-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân, trong khi hiệu lực của vắc xin sẽ giảm theo thời gian.
Vì vậy, việc tiêm ngừa mũi nhắc lại là rất cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tỉnh đang bước vào giai đoạn "bình thường mới", dần dần từng bước khôi phục lại các hoạt động xã hội, sản xuất".
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, tỉnh luôn xác định vắc xin phòng Covid-19 là vũ khí chiến lược trong công tác phòng, chống dịch. Khi chiến dịch tiêm chủng thần tốc được triển khai trong toàn tỉnh, người dân được tiếp cận với vắc xin phòng Covid-19, tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 chuyển nặng và tử vong giảm rõ rệt, dịch bệnh dần được đẩy lùi.
Việc tiêm vắc xin các mũi bổ sung, nhắc lại cũng đã được ghi nhận về hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân trước vi rút SARS-CoV-2, khi số ca mắc trong thời gian gần đây giảm xuống chỉ còn dưới 20 ca/ngày, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Tính cần thiết để thích ứng an toàn
Hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 đã được thực tế chứng minh. Bác sĩ Nguyễn Hoài Lê, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, tác dụng bảo vệ của vắc xin phòng Covid-19 không tồn tại mãi trong cơ thể mà sẽ giảm dần theo thời gian và cơ thể sẽ mất khả năng bảo vệ, đặc biệt đối với người từ 50 tuổi trở lên hoặc người suy giảm miễn dịch.
Sau khi tiêm đủ liều cơ bản (mũi 1 và mũi 2) thì khả năng bảo vệ là hơn 80%, sau 3-6 tháng hiệu lực bảo vệ giảm dần, chỉ còn 50% (nhất là với chủng Omicron).
Nếu tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) kháng thể tăng lên được 70%, nhưng lại giảm dần từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 xuống còn 30%. Do đó, nếu không tiêm mũi nhắc lại lần 2 thì khả năng bảo vệ cơ thể sẽ mất dần và trở về như lúc chưa tiêm, nếu xuất hiện chủng Covid-19 mới thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng và có thể tử vong.
Vì vậy, việc tiêm vắc xin mũi nhắc lại lần 1 và mũi nhắc lại lần 2 là rất cần thiết nhằm tăng hiệu lực bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể sản xuất đủ kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2. Mặc dù người đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 có thể nhiễm hoặc tái nhiễm Covid-19, nhưng khi tiêm đủ các mũi nhắc lại, cơ thể sản xuất đủ kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2 thì người nhiễm có thể giảm triệu chứng nặng, giảm nguy cơ tử vong, nhất là trước những biến thể nguy hiểm".
Đặc biệt, theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi nhận sự xâm nhập của biến thể phụ BA.5 của dòng Omicron. Mặc dù, việc xâm nhập chủng mới đã được cảnh báo và là điều tất yếu do sự mở cửa giao lưu về kinh tế, thực hiện, duy trì trạng thái "bình thường mới", tuy nhiên, đây là dòng biến thể phụ được Tổ chức Y tế thế giới coi là biến thể đáng quan ngại bởi sự lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác, có nguy cơ làm dịch bệnh diễn biến phức tạp và gia tăng trở lại.
Tại nước ta, hiện, cũng đã ghi nhận sự gia tăng số ca mắc Covid-19 tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bắc Giang, Bình Dương.
Trong khi đó, theo thống kê của ngành Y tế, đa số những trường hợp chuyển nặng hoặc tử vong do Covid-19 trên địa bàn đều do chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Điều này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải tiêm các mũi nhắc lại (lần 1, lần 2) và đây chính là "chìa khóa" quan trọng nhất trong phòng, chống dịch và là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.