Thúc đẩy chuyển đổi số để tạo nền tảng, cơ sở cho hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số là một trong những mục tiêu hàng đầu của Vĩnh Phúc trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, các cơ quan, đơn vị, địa phương đang có những thay đổi tư duy, nhận thức và hành động để bắt kịp xu thế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa số hóa vào từng khâu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực quản lý với quyết tâm cao nhất là đưa Vĩnh Phúc nằm trong tốp 15 các tỉnh, thành phố về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025.

Chuyển biến ở từng ngành, địa phương

Chuyển đổi số được tỉnh Vĩnh Phúc xác định là động lực phát triển toàn diện của tỉnh, vừa cấp bách, vừa lâu dài; là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Từ các chương trình, nghị quyết, kế hoạch, đề án tập trung cho việc xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành, thời gian qua, các cấp, các ngành đã cụ thể hóa vào nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị để có những giải pháp, cách làm phù hợp đem lại kết quả bước đầu khá tích cực.

Vĩnh Phúc quyết tâm chuyển đổi số, hướng tới điều hành xã hội qua các nền tảng số
thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp

Quyết tâm phải là địa phương tiên phong trong chuyển đổi số, UBND thành phố Vĩnh Yên đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, chất lượng đời sống cộng đồng trên cơ sở ứng dụng hiệu quả công nghệ số. Đồng thời, đưa công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển các mô hình mới trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố; tạo nền tảng, cơ sở cho hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số. Cách làm này đã từng bước đưa hạ tầng kỹ thuật của thành phố cơ bản bảo đảm các điều kiện thực hiện kết nối, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung với 100% phòng, ban, đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, xử lý công việc, có mạng internet và hệ thống mạng nội bộ, sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử; 100% văn bản đến được số hóa, lưu trữ, luân chuyển, xử lý trên phần mềm quản lý văn bản. 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính, sử dụng thành thạo tin học và thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc; các văn bản, tài liệu cơ bản được thực hiện trên mạng điện tử bảo đảm thông tin được trao đổi kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi…

Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Tường, chủ trương hiện thực hoá mục tiêu về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực của huyện bước đầu đã đạt những kết quả khả quan, góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Đơn cử, trong xây dựng chính quyền số, kết quả nổi bật là đến nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện và các xã, thị trấn đều được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ giải quyết thủ tục hành chính với 100% cán bộ, công chức có tài khoản và sử dụng thư điện tử công vụ làm việc trên môi trường mạng; 100% lãnh đạo cấp phòng trở lên và lãnh đạo các xã, thị trấn được cấp và sử dụng chữ ký số để chỉ đạo, điều hành công việc kịp thời, hiệu quả mọi lúc, mọi nơi. Hiện hệ thống hội nghị trực tuyến cũng đã được kết nối liên thông đến 100% các xã, thị trấn, giúp công tác lãnh, chỉ đạo được kịp thời, hiệu quả hơn. 

Cùng với chính quyền số, nền kinh tế số của huyện Vĩnh Tường cũng được hình thành với các sản phẩm OCOP và nông sản thế mạnh của địa phương được đưa lên sàn thương mại điện tử, quảng bá trên các trang mạng xã hội. Nhiều nông dân đã chủ động đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hàng trăm doanh nghiệp đã và đang tận dụng tốt công nghệ thông tin để phục vụ sản xuất kinh doanh...

Sau hơn 2 năm chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19, làn sóng chuyển đổi số trong doanh nghiệp để thích nghi với tình hình mới được thúc đẩy mạnh mẽ; cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới bằng cách áp dụng chuyển đổi số trong quản trị điều hành, sản xuất để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện trong số hơn 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Vĩnh Phúc hầu hết đã và đang chuyển đổi, sử dụng các công nghệ như điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), internet kết nối vạn vật (IoT)... để phân tích dữ liệu, biến đổi và tạo ra một giá trị khác cấp cao hơn số hóa. Đặc biệt, từ chủ trương của tỉnh về ưu tiên thành lập thành lập mới các doanh nghiệp công nghệ số, hiện toàn tỉnh đã có hơn 3.800 doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và công nghệ số; 540 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải và logistic sử dụng công nghệ số; 472 doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ số.

Mặc dù đi sau một số đơn vị trong chuyển đổi số, thời gian qua, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đã mạnh dạn đổi mới tư duy, đẩy mạnh ứng dụng số trong sản xuất, góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện có khoảng 30 hợp tác xã nông nghiệp đang thực hiện ứng dụng một hoặc một số loại công nghệ cao trong sản xuất và quản lý như: Lắp đặt hệ thống tưới tự động, công nghệ nhà lưới, nhà kính, nhà màng có hệ thống điều khiển bán tự động, dán tem truy xuất nguồn gốc; sử dụng các phần mềm quản lý kế toán, kê khai thuế, thư điện tử, lưu trữ dữ liệu, chữ ký số, camera giám sát hành trình... Bên cạnh đó, 1.400 sản phẩm nông nghiệp của 82 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên 2 sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn, nhiều hợp tác xã đã chủ động chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và thông tin về sản phẩm qua mạng xã hội, đồng thời, xây dựng, đăng ký tên miền cho website riêng để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng, các đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ thiết yếu trong đời sống sinh hoạt cũng đã tích cực, tiên phong trong việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phương thức thanh toán qua tài khoản hoặc các ví điện tử như: Momo, Zalo Pay hay Viettel Money… góp phần mở rộng độ bao phủ, tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, tạo nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số.

Không đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nào đứng bên lề hành trình chuyển đổi số

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính tại các sở, ngành, địa phương đã hình thành một nền tảng sẵn có, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải cách hành chính. Có thể thấy rất rõ điều đó qua những kết quả quan trọng như: Thực hiện gửi nhận văn bản điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền phi giấy tờ; cung cấp các dịch vụ công, chuyển đổi từ chính quyền quản lý sang phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hiện phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến iGate của tỉnh đã kết nối 746 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia; có 41.730 văn bản đi/đến luân chuyển trên phần mềm quản lý văn bản; tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của cả tỉnh đạt 98%... Đến thời điểm này, khi chuyển đổi số không còn dừng ở lựa chọn mà trở thành bắt buộc, trên địa bàn tỉnh gần như không còn đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nào đứng ngoài cuộc đua chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế khiến quá trình chuyển đổi số chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của tỉnh; nhiều chỉ số thành phần liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các chỉ số chuyển đổi số còn thấp; hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, hiện đại; nhân lực chuyển đổi số thiếu, kỹ năng số của cán bộ, công chức còn hạn chế; hoạt động thương mại điện tử vẫn ở mức thấp... Đồng thời, rút ra bài học kinh nghiệm muốn chuyển đổi số thành công việc làm trước nhất là phải chuyển đổi nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, quan trọng nhất là người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương có nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số, từ đó, quyết liệt lãnh, chỉ đạo, tiên phong lựa chọn những vấn đề, bài toán đang là “điểm nghẽn” để tập trung thúc đẩy các nhiệm vụ chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực được phân công.

Quyết tâm đạt mục tiêu đưa địa phương nằm trong tốp 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực: Tài nguyên và môi trường, quy hoạch đô thị, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông vận tải và logistics, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính - ngân hàng, thông tin và truyền thông, năng lượng… Tỉnh cũng có thêm những cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư, hình thành khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; nâng cấp hạ tầng và nền tảng số cho các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế để thu hút các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông. Đặc biệt, để phát huy vao trò, trách nhiệm của người đứng đầu, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 18 quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyến đổi số. Trong đó, quy định rõ những trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong nêu gương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; tuyên truyền thay đổi nhận thức liên quan đến chuyển; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số; bảo đảm hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số; triển khai ứng dụng công nghê thông tin, nền tảng số và trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin, an toàn an ninh mạng.

Quá trình chuyển đổi số còn rất nhiều việc phải làm nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, những hành động cụ thể, thiết thực đang được lan tỏa khắp các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, mục tiêu trở thành một trong 15 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số của Vĩnh Phúc sẽ sớm được hiện thực hóa.

Nguồn: vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 633.438
      Online: 31