Xác định chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu của đời sống, kinh tế - xã hội, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, phấn đấu đến năm 2025 nằm trong top 10 cả nước về chuyển đổi số.
Là một trong những địa phương còn gặp nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh, nhưng nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, huyện Sông Lô đã tập trung chỉ đạo, ban hành đề án, kế hoạch cho cả giai đoạn tuyên truyền đến các địa phương, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và Nhân dân. Từ đó, giúp đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số; nắm rõ hơn vai trò, tầm quan trọng và mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với điều kiện của địa phương; hiểu được các công việc khi tiến hành xây dựng chiến lược và thực hiện chuyển đổi số. Cùng với đó, tuyên truyền Nhân dân trong huyện thay đổi thói quen, nhận thức đúng về chuyển đổi số, kinh tế số, góp phần thực hiện định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số năm 2024 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.
Cán bộ Bộ phận một cửa UBND thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô hướng dẫn người dân
nộp hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Để bảo đảm ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Sông Lô đã quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị để kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản với huyện, tỉnh. Hạ tầng mạng viễn thông truyền dẫn trên địa bàn huyện đã được cáp quang hóa 100%, kết nối đến tất cả các xã, thị trấn và thôn. Đến nay, các trạm thu phát sóng thông tin di động đã phủ sóng di động 3G, 4G toàn huyện; 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của huyện và UBND các xã, thị trấn đã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ. 100% cán bộ công chức, viên chức của huyện và 99% cán bộ công chức cấp xã được trang bị máy tính để làm việc; đã triển khai phần mềm quản lý văn bản tập trung cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện, toàn bộ hệ thống văn bản đi, văn bản đến (trừ văn bản mật) đều được xử lý trên môi trường mạng. Hệ thống hội nghị trực tuyến gồm 2 điểm cầu, tập trung tại Huyện ủy và UBND huyện, 17 điểm trực tuyến tại 17 xã, thị trấn phục vụ các cuộc họp từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, xã và thị trấn, bảo đảm linh hoạt, thuận tiện, hiệu quả.
Chia sẻ với phóng viên, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sông Lô Khổng Thành Quân khẳng định: Ngay từ đầu năm khi thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, huyện Sông Lô đã xác định bên cạnh vai trò chủ đạo của chính quyền địa phương, sự tham gia của Nhân dân đóng vai trò quan trọng vào thành công của quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ còn nhiều tiện ích, tiện lợi khác mà cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 mang lại. Vì vậy, chuyển đổi số sẽ là sự vận động không ngừng nghỉ, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng như người dân phải nắm bắt, học hỏi và làm chủ công nghệ, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như quảng bá hình ảnh, sản phẩm, nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương, đặc biệt là văn hóa bản sắc của đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn và thách thức trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số, trên cả 3 yếu tố hạ tầng số; con người; cơ chế, chính sách như: Trang thiết bị, phần mềm máy móc chưa đồng bộ; điện lưới, đường truyền chưa thuận lợi; vẫn còn một số cán bộ lãnh đạo, quản, lý, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt trong quá trình chuyển đổi số; nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp chưa có nhiều kiến thức, cộng với tư tưởng ngại khó, chậm đổi mới, chậm tiếp thu ứng dụng công nghệ thông tin; huyện Sông Lô không có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin; việc tuyển dụng, đào tạo cán bộ công nghệ thông tin chuyên môn sâu cần có thời gian. Tuy nhiên, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, huyện Sông Lô xác định chuyển đổi số là động lực phát triển toàn diện của huyện, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững. Trước mắt, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh giao năm 2024, huyện Sông Lô tiếp tục tập trung triển khai các nhóm giải pháp chính gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp khai thác các dịch vụ công trực tuyến, khuyến khích người dân ứng dụng chuyển đổi số trong mọi mặt của cuộc sống; nâng cao trách nhiệm của thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số huyện đối với các đơn vị được phân công phụ trách, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác chuyển đổi số; tiếp tục đầu tư mới các trang bị thiết yếu như máy tính, máy in, máy scan…cho các cơ quan, đơn vị phục vụ công tác chuyển đổi số; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá kết quả chuyển đổi số vào thành tích thi đua của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.
Công an xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục khai báo thông tin
Cùng với đó, UBND huyện Sông Lô yêu cầu người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị phải thay đổi, hướng đến phương pháp quản lý mới dựa trên các nền tảng số, dữ liệu số, hình thành cơ sở khoa học để dẫn dắt, tổ chức thành công trong chuyển đổi số; chủ động tự nghiên cứu, học tập các quan điểm, định hướng, văn bản, tài liệu, thông tin về chuyển đổi số; đồng thời, phổ biến cho cán bộ trong cơ quan, đơn vị nhận thức đúng, quyết tâm, đồng lòng thực hiện chuyển đổi số, hoàn thiện hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Không ngừng nỗ lực thực hiện kế hoạch và lộ trình đã được xây dựng cụ thể trong việc triển khai chính quyền điện tử, bám sát những kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, của huyện để cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, dự án thực hiện sao cho phù hợp với điều kiện của địa phương, bảo đảm 100% hồ sơ thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân được tiếp nhận và giải quyết thông qua phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt tối thiểu 45%; tỷ lệ cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử (đối với các thủ tục hành chính có kết quả thực hiện đủ điều kiện cấp bản điện tử) đạt 100%; 100% văn bản đi trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành dùng chung của tỉnh được ký số theo đúng quy định.
Xác định hành động đầu tiên trong chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức, UBND huyện Yên Lạc đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân về chuyển đổi số và coi đây là thời cơ, vận hội, từ đó ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số đem lại để phục vụ cho chính cơ quan, đơn vị, cho cộng đồng và xã hội. Đồng thời, tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch, nội dung đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số, nhất là áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp như: Tăng tỷ lệ văn bản điện tử, họp trực tuyến, trả lời phản ánh kiến nghị công dân trên thiết bị di động…
Căn cứ các nhiệm vụ được giao, từng cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính trên cơ sở áp dụng thống nhất hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, sử dụng văn bản, tài liệu điện tử, hội nghị trực tuyến... Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến nay, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Yên Lạc đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chuyển đổi số được nâng lên đáng kể. Hạ tầng mạng viễn thông truyền dẫn ở Yên Lạc được đầu tư, kết nối đến tất cả các xã, thị trấn, 154 thôn, tổ dân phố. Toàn huyện có trên 100.000 thuê bao điện thoại di động; hệ thống hội nghị trực tuyến được lắp đặt tại điểm cầu UBND huyện và UBND 17 xã, thị trấn. Việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đổi mới lề lối, cách thức làm việc và cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan Nhà nước, từng bước hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trên từng ngành, lĩnh vực.
Tính từ đầu năm đến nay, huyện Yên Lạc phát hành trên trên 5.200 văn bản, trong đó, tỷ lệ văn bản ký số đạt 100%; 100% cơ quan, đơn vị đã đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4. Trong đó, cấp huyện thực hiện 298 dịch vụ công trực tuyến, cấp xã thực hiện 86 dịch vụ. Việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đầy đủ trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.
Việc ứng dụng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cải tiến môi trường và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng hiện đại; tăng năng suất và chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp; 100% tổ chức, công dân đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh từ mức hài lòng trở lên.
Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số, những tháng cuối năm, huyện Yên Lạc sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; tiếp tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, thanh toán phí, lệ phí và nhận kết quả trực tuyến. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Chính phủ và Cổng Dịch vụ công tỉnh; bảo đảm 100% hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết thông qua phần mềm một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến; số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định, trong đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trước và đúng hạn đạt trên 95%. 100% hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết thông qua phần mềm, trong đó lựa chọn một số thủ tục hành chính đơn giản, phát sinh nhiều hồ sơ để thực hiện 4 tại chỗ và trả ngay kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Với những nỗ lực, sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp các địa phương trong tỉnh, quá trình thực hiện chuyển đổi số đang đi đúng hướng, lựa chọn được những công việc đột phá, tạo cơ sở, nền tảng phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh diễn ra chưa đồng đều giữa các sở, ngành, địa phương; chưa có nền tảng số tốt, an toàn, dễ sử dụng để đề xuất lựa chọn, áp dụng dẫn đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh phát triển không đều; hạ tầng số của tỉnh vẫn chưa thực sự tiếp cận công nghệ hiện đại; mạng viễn thông thế hệ mới 5G mới chỉ ở bước khởi đầu; nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các sở, ngành, địa phương còn rất thiếu và chưa đáp ứng về năng lực, trình độ…
Xác định chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đề ra các giải pháp trong đó trọng tâm là tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng; hoàn thiện cơ chế, chính sách kiến tạo môi trường phát triển kinh tế số; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các chương trình phổ biến kiến thức về công nghệ số, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân; đẩy mạnh tương tác trực tuyến giữa cơ quan Nhà nước và người dân, doanh nghiệp; phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp; nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ số; xây dựng cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đã để thu hút chuyên gia, nhân lực tham gia xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử; chủ động nghiên cứu, hợp tác, học tập kinh nghiệm về chuyển đổi số với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước và các quốc gia trên thế giới... Phấn đấu năm 2024, 100% hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp dưới dạng điện tử; tỷ trọng kinh tế số đạt trên 20% GRDP; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 50%; tỷ trọng doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử đạt 80%; tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt trên 90%...
Chuyển đổi số đã và đang đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng bước làm thay đổi, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Mỗi cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân cần nhận thức rằng, đây là bước “chạy đà” quan trọng để tiếp tục có sự gắng sức hơn nữa trong chặng đường chuyển đổi số sắp tới, nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu theo Quyết định số 507 của UBND tỉnh.