Những năm qua, công tác cải cách hành chính của tỉnh luôn được các cấp, ngành quan tâm, chú trọng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trên cả 6 lĩnh vực, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính minh bạch, thân thiện, gắn với chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền điện tử. Từ đó, phát huy hiệu quả quản lý, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp

Rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục hành chính

Thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính như: Tăng cường kiểm soát, đôn đốc quá trình xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; công bố, công khai thủ tục hành chính, danh mục thủ tục hành chính. Từ năm 2021 đến hết tháng 4/2024, UBND tỉnh đã ban hành 4 Kế hoạch về rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thống kê, rà soát đối với 1.995 thủ tục hành chính để đơn giản hóa; đã thực hiện đơn giản hóa đối với 141 thủ tục hành chính. Đồng thời, cắt, giảm thời hạn giải quyết đối với 825 thủ tục hành chính với tổng số ngày cắt giảm được là 4.998 ngày so với quy định. Ngoài ra, UBND tỉnh đã công bố thực hiện gộp, ghép 26 thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thành 13 thủ tục hành chính; nộp 1 hồ sơ nhận được 2 kết quả giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, danh mục thủ tục hành chính đều được cập nhật trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, niêm yết, công khai trên Cổng thông tin giao tiếp điện tử của tỉnh, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và đều xây dựng, phê duyệt quy trình nội bộ, quy trình điện tử để tiếp nhận - giải quyết - trả kết quả thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 1.840 thủ tục hành chính đang còn hiệu lực; trong đó có 1.379 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 315 thủ tục cấp huyện và 146 thủ tục hành chính cấp xã. Hoạt động của Bộ phận một cửa các cấp được duy trì tại 20/20 sở, ban, ngành; 9/9 huyện, thành phố và 136/136 xã, phường, thị trấn; UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện số hóa các hồ sơ đầu vào tại Bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã tích hợp xong Kho dữ liệu tổ chức, cá nhân trong Cổng Dịch vụ công tỉnh, kết nối đồng bộ với Kho dữ liệu tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Từ 01/01/2022 đến 31/3/2024, toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 1.352.323 hồ sơ cần số hóa thành phần hồ sơ, trong đó có 526.260 hồ sơ đã được số hóa thành phần hồ sơ, đạt  tỷ lệ 38,9%. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, với tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt trên 90,8%.

Với việc đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, hiện trên địa bàn tỉnh đang cung cấp 1.474 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến, gồm 596 thủ tục hành chính một phần; 878 thủ tục hành chính toàn trình. Từ tháng 7/2021 đến tháng  3/2024, 18 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và 9/9 đơn vị cấp huyện đã phát sinh 522.312 hồ sơ trực tuyến, trong đó có 368.952 hồ sơ nộp trực tuyến một phần và 153.360 hồ sơ nộp trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tại các sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố trung bình đạt 42,9% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết.

Tập trung thực hiện cải cách chế độ công vụ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 256 cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị hành chính cấp xã được xác định vị trí việc làm, gồm 20 sở, ban, ngành; 100 cơ quan chuyên môn thuộc 9 huyện, thành phố và 136 xã, phường, thị trấn. Tổng số đơn vị sự nghiệp được xác định vị trí việc làm gồm 757 đơn vị. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 568 phê duyệt danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 572 phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn. Trong đó, tổng số lượng vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính gồm 2.865 vị trí; tổng số vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp gồm 16.217 vị trí. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức, tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thi tuyển cạnh tranh bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đúng quy trình; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm, chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp trên địa bàn tỉnh.

Với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức, góp phần thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, đến nay, tỉnh đã hoàn thành cập nhật đầy đủ thông tin 109 trường dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức lên hệ thống và hướng dẫn việc phê duyệt, xác nhận hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng bộ lên cơ sở dữ liệu quốc gia. Theo công bố trên Cổng thông tin của Bộ Nội vụ đến ngày 30/5/2023, Vĩnh Phúc là một trong 36 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% việc cập nhật và đồng bộ gần 28.000 dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức lên cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

Hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tạo lập môi trường pháp lý, là tiền đề quan trọng để xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số. Trong đó, nổi bật là Nghị quyết số 39 của HĐND tỉnh thông qua Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021 - 2025; Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 18 của UBND tỉnh về việc Ban hành Quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh quy định mức thu lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2025... Bên cạnh đó, tỉnh tập trung triển khai xây dựng, phát triển các nền tảng, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan Nhà nước. Năm 2022, nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP) tỉnh Vĩnh Phúc được xây dựng hoàn thành, cài đặt, vận hành tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) và trục liên thông văn bản quốc gia, bảo đảm sẵn sàng kết nối đến các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Từ tháng 6/2021, hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh đã được Văn phòng UBND tỉnh triển khai đến các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã để thực hiện báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của của tỉnh. Đến nay, phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đến 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã; thực hiện liên thông với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành qua trục liên thông văn bản quốc gia, tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, đáp ứng quy trình gửi, nhận văn bản điện tử tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trung bình từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của tỉnh là 98,3%. Đến hết tháng 3/2024, toàn tỉnh đã cấp tổng số 2.323 chứng thư số bao gồm 1.881 chứng thư số cá nhân, 442 chứng thư số cơ quan, 102 Sim PKI cho lãnh đạo của 22 cơ quan, đơn vị.


Năm 2022, hệ thống Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các cổng thành phần được nâng cấp và đưa vào vận hành chính thức, phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, đăng tải các thông tin theo quy định. Qua đó, góp phần đẩy mạnh tính minh bạch và tiếp cận thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân với các cơ quan Nhà nước. Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì, vận hành, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Hoạt động giám sát an toàn thông tin được thực hiện liên tục; triển khai hệ thống lưu trữ nhật ký, cảnh báo sự kiện an toàn thông tin tập trung bằng phần mềm nguồn mở; ngăn chặn 100% các trường hợp tin tặc sử dụng các máy chủ để điều khiển, phát tán mã độc, thư rác vào các hệ thống thông tin của tỉnh. Trung tâm đã thẩm định, phê duyệt cấp độ và phương án bảo đảm an toàn thông tin cho 62/68 hệ thống thông tin của tỉnh; duy trì bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, chia sẻ thông tin giám sát an toàn hệ thống thông tin về Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chủ động tận dụng các thiết bị đã đầu tư và hình thức thuê dịch vụ để triển khai hiệu quả hội nghị truyền hình trực tuyến khi có yêu cầu triển khai của cơ quan Trung ương và các cơ quan Nhà nước trên địa bàn, góp phần tiết kiệm thời gian, ngân sách; đồng thời, nhiều thành phần cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thể tham gia hội nghị.

Phát triển các ứng dụng, dịch công phục vụ người dân, doanh nghiệp, từ tháng 01/2022 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính sử dụng giải pháp của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, triển khai tập trung, hợp nhất Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, tiếp nhận, giải quyết, theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã. Đến tháng 12/2022, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác giải quyết thủ tục cho tổ chức, công dân thuận lợi, chính xác. Trong tháng 12/2023, hệ thống đã hoàn thành tích hợp kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân.

Việc triển khai đồng bộ công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã tạo thuận lợi cho tổ chức và Nhân dân trong thực hiện giao dịch hành chính với cơ quan Nhà nước, nâng cao mối quan hệ với người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện tốt các cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư của tỉnh. Từ đó, tổ chức, doanh nghiệp và người dân đã đồng hành cùng với cơ quan hành chính Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính như sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ thanh toán trực tuyến, tham gia góp ý qua các kênh mà cơ quan Nhà nước lấy ý kiến của Nhân dân về xây dựng chính sách,... góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tiến trình chuyển đổi số của tỉnh.

Nguồn:vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 965.013
      Online: 6