Đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, hạ tầng số được tỉnh quan tâm đầu tư, không ngừng nâng cấp và mở rộng mạng lưới. Hiện nay, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh (LGSP) đã đi vào hoạt động, kết nối với Trục liên thông văn bản Quốc gia, Cổng thanh toán tập trung Quốc gia và sẵn sàng kết nối đến cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương. Đây là bước tiến quan trọng trong mục tiêu Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 về phát triển ngành Thông tin và Truyền thông và chuyển đổi số.
Viettel Vĩnh Phúc tích cực đầu tư hạ tầng số, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của tỉnh.
Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị các cấp trên địa bàn tỉnh được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối Internet băng thông rộng cố định phục vụ công tác chuyên môn; toàn tỉnh đã thực hiện kết nối đường truyền số liệu chuyên dùng đến 169 đơn vị, địa phương, đồng bộ đến cấp xã.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3.000 trạm thu phát sóng thông tin di động, tỉ lệ phủ sóng mạng di động 3G, 4G đạt 100%; ngoài ra, có 2 trạm phát sóng 5G của Viettel đã hoạt động với hơn 1,35 triệu thuê bao điện thoại di động; 286 nghìn thuê bao Internet băng thông rộng cố định và 1,05 triệu thuê bao Internet băng thông rộng di động; tỷ lệ hộ gia đình có internet băng thông rộng cố định đạt 90% với 5 nhà cung cấp dịch vụ gồm Viettel Vĩnh Phúc, VNPT Vĩnh Phúc, FPT Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist và Truyền hình cáp Việt Nam.
Về cơ sở dữ liệu (CSDL), tỉnh đã ban hành danh mục 25 CSDL, trong đó, 13 CSDL đặt tại Trung tâm Hạ tầng thông tin của tỉnh, 2 CSDL đặt tại Văn phòng UBND tỉnh, 5 CSDL được phân quyền từ CSDL của các bộ, ngành trung ương, 5 CSDL vận hành trên hệ thống hạ tầng của đơn vị cung cấp dịch vụ và 1 CSDL đã kết nối đến CSDL quốc gia về dân cư.
Tháng 10/2023, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh được nâng cấp, hoàn thiện tính năng số hóa hồ sơ và kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được đánh giá an toàn thông tin, phối hợp với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và được dán nhãn tín nhiệm mạng.
Tháng 11/2023, tỉnh kết nối số liệu cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử bản sao từ bản chính giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với Hệ thống theo dõi kết quả đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp của bộ, ngành, địa phương tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần tăng điểm đánh giá xếp hạng của tỉnh trên bảng kết quả đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp của bộ, ngành, địa phương.
Về phát triển nền tảng số, nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung LGSP tỉnh đã được cài đặt, vận hành tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh, thiết lập, kết nối với Trục liên thông văn bản Quốc gia, Cổng thanh toán tập trung Quốc gia và sẵn sàng kết nối đến các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, Trung ương.
Hiện nay, 100% các cơ sở giáo dục sẵn sàng triển khai nền tảng dạy học trực tuyến như GoogleMeet, GoogleClassroom, GoogleForm, MicrosoftTeam, Zoom... trong công tác dạy và học; 100% cơ sở giáo dục khai thác, sử dụng các kho học liệu dùng chung trên các nền tảng số, sử dụng nền tảng số để thông tin, liên lạc với phụ huynh về tình hình học tập của học sinh.
Ngành GDĐT tích cực phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo án; chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Trong lĩnh vực y tế, phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân trên địa bàn tỉnh đang được Sở Y tế thực hiện theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin giai đoạn 2022 - 2026.
Cán bộ VNPT Vĩnh Phúc thường xuyên kiểm tra, đảm bảo đường truyền thông suốt, nâng cao độ tin cậy về an toàn thông tin mạng.
Phần mềm triển khai tại 159 đơn vị bao gồm: Sở Y tế; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; 7 bệnh viện tuyến tỉnh; 3 bệnh viện bộ, ngành, tư nhân; 9 trung tâm y tế cấp huyện; 138 trạm y tế thuộc 136 xã/phường/thị trấn, giúp thiết lập hồ sơ quản lý sức khoẻ cá nhân của người dân, lưu trữ thông tin trong quá trình chăm sóc sức khỏe người dân theo quy định của Bộ Y tế.
Đến nay, hệ thống đã thiết lập được hơn 746 nghìn sổ khám bệnh điện tử tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Triển khai nội dung về phát triển ngành Thông tin và Truyền thông và chuyển đổi số theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc đầu tư xây dựng hạ tầng số được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường khả năng kết nối thông suốt, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh.
Năm 2024, tỉnh dự kiến dành gần 2.000 tỷ đồng đầu tư cho chuyển đổi số. Theo đó, tỉnh tập trung triển khai Dự án hạ tầng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số; nâng cấp, hình thành hạ tầng số, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, triển khai điện toán đám mây để xây dựng Trung tâm dữ liệu số, Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng theo hướng quản lý, vận hành, lưu trữ tập trung.
Triển khai hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh phục vụ kết nối nền tảng Chính phủ điện tử quốc gia; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin…
Phấn đấu năm 2024, 100% hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết TTHC trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và Cổng dịch vụ công Quốc gia; 60% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 50% hồ sơ công việc cấp huyện, 40% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; tỷ trọng kinh tế số đạt trên 20% GRDP; tỷ trọng doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử đạt 80%...