Bằng việc kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý và tăng tốc triển khai thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tạo được những dấu ấn mới và đang tiến gần hơn đến mục tiêu nằm trong top 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Năng động trong chuyển đổi số

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang và các đại biểu nhấn nút khai trương áp phản ánh kiến nghị 

Tiếp nối thành công năm 2022, trong năm 2023, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện giao chỉ tiêu nhiệm vụ chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với nhiều chỉ tiêu mới, khó và lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số để đánh giá người đứng đầu; đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo sự thống nhất, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số; tổ chức thành công Ngày Chuyển đổi số quốc gia với chủ đề “Khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị”; thành lập nhóm Zalo “UBND tỉnh Vĩnh Phúc” với trên 19.000 quan tâm và nhóm Zalo “Chuyển đổi số Vĩnh Phúc” thu hút gần 2.400 người theo dõi. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Thành lập, hợp nhất Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ công tác đề án 06, với 1.240 tổ, 9.880 thành viên.

Bắt nhịp cùng chuyển đổi số, tất cả các cấp, ngành, địa phương đã tăng cường vai trò của người đứng đầu trong triển khai thực hiện từng chỉ số chuyển đổi số được giao. Chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, tổ chức ký cam kết, giao nhiệm vụ thực hiện chỉ tiêu đến từng phòng, ban, đơn vị và gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Cùng với đó, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức phát huy sáng kiến, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, chất lượng các chỉ tiêu chuyển đổi số được giao.

Với sự chỉ đạo quyết liệt và cùng vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những bước tiến mới cả trong nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số, nhân lực số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, kinh tế số ngày càng khẳng định vị trí quan trọng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; thứ bậc chuyển đổi số (DTI) có sự dịch chuyển tích cực, từ vị trí thứ 55 năm 2020 tăng lên vị trí thứ 12 năm 2021 và xếp vị trí thứ 18 năm 2022. Đối với chuyển đổi số ở các sở, ban, ngành, năm 2022, bằng việc đưa ra kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể, Văn phòng UBND tỉnh đã vươn lên xếp vị trí thứ nhất, Sở Thông tin và Truyền thông đứng vị trí thứ hai, Sở Công Thương xếp vị trí thứ ba. Còn ở khối các địa phương, với 631,25 điểm/1000 điểm, UBND thành phố Vĩnh Yên dẫn đầu 9 huyện, thành phố về chuyển đổi số; đứng vị trí thứ 2 là UBND huyện Yên Lạc và thứ 3 là UBND huyện Tam Đảo.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay, cả tỉnh có trên 3.000 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 3G, 4G đạt 100% và đã phát sóng 2 trạm 5G của Viettel. Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh được triển khai, bảo đảm kết nối liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương để khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, thông tin quan trọng của tỉnh. Tất cả các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị 3 cấp tỉnh, huyện, xã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ. Trung tâm Hạ tầng thông tin của tỉnh và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn đều có trung tâm dữ liệu, vận hành hiệu quả các ứng dụng và cơ sở dữ liệu trên địa bàn tỉnh. 100% cơ quan, đơn vị, địa phương được cấp hộp thư điện tử; phần mềm quản lý văn bản được kết nối liên thông với các bộ, ngành Trung ương thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, tích hợp chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ. Toàn bộ hệ thống văn bản đi, văn bản đến (trừ văn bản mật) đều được xử lý trên môi trường mạng; tỷ lệ chữ ký số ở cả 3 cấp đạt 99%.

Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử đang tiếp tục được hoàn thiện. Dịch vụ công trực tuyến VNPT IGate được kết nối, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia và liên thông với phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư và phần mềm quản lý chứng thực, hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và của tỉnh.  Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh, các cổng thành phần và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh được đánh giá an toàn thông tin và được dán nhãn tín nhiệm mạng.

Hết năm 2023, tỷ trọng kinh tế số chiếm 21,6% GRDP của tỉnh. Tổng doanh thu dịch vụ ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 213.750 triệu động, đạt 100% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 68,4%, cao hơn 25% so với bình quân chung cả nước; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính số hóa, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 65,3%, cao hơn 28% so với bình quân chung cả nước. 100% cơ sở giáo dục, y tế đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; trên 70% người trưởng thành có tài khoản định danh điện tử, vượt 30% so với chỉ tiêu giao; 95,5% dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử; 59/68 hệ thống thông tin được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin, tăng 6,8% chỉ tiêu giao. Cùng với đó, cả tỉnh có 10.085 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh, chiếm 73% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh; hơn 2.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác tham mưu chuyển đổi số được đào tạo trực tiếp; khoảng 10.000 công chức, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp được đào tạo trực tuyến kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số. 

Đồng chí Chu Ngọc Anh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Chuyển đổi số đã và đang diễn ra trên tất cả ngành, lĩnh vực, đời sống của Nhân dân, bởi giá trị đích thực của hoạt động chuyển đổi số là phải tạo thêm việc làm mới, nguồn thu mới, giúp việc giải quyết công việc của các cơ quan Nhà nước thuận tiện hơn, minh bạch, hiệu quả hơn; các doanh nghiệp nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và những người lao động phổ thông chuyển đổi được công việc thông qua phát triển kinh tế số để đa dạng hoá mô hình kinh tế. Để “Đi tắt, đón đầu” ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 một cách hiệu quả, Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, đã xác định hành động đầu tiên của chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức, để mọi người dân coi chuyển đổi số thực sự là thời cơ, vận hội, từ đó ứng dụng thành tựu của chuyển đổi số phục vụ chính cơ quan, đơn vị mình, cho cộng đồng và xã hội.

Nỗ lực cho chặng đường mới

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, “làn gió” chuyển đổi số đã phủ khắp mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, do chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh diễn ra chưa đồng đều giữa các sở, ngành, địa phương; nhiều cơ quan, đơn vị chưa xác định rõ trách nhiệm, chưa đề xuất được công việc cụ thể nên chưa khai thác hết được thế mạnh của chuyển đổi số trong việc tạo động lực cho phát triển kinh tế và cải cách hành chính. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin chưa tiếp cận được công nghệ hiện đại, chưa thực sự ứng dụng điện toán đám mây mà đang dừng ở công nghệ ảo hóa; nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu và chưa thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới theo yêu cầu; mạng viễn thông thế hệ mới 5G mới chỉ ở bước khởi đầu…

Các nhà mạng đang đẩy mạnh phát triển mạng 5G

Để khắc phục những bất cập trên và nâng cao thứ hạng DTI, đưa Vĩnh Phúc nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số vào năm 2025, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phải tập trung thực hiện trong năm 2024 để đạt mục tiêu: Có 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần được triển khai trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; 100% hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% cơ quan Nhà nước trên địa bàn sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; 100% lãnh đạo cơ quan Nhà nước được cấp, sử dụng chữ ký số; 60% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 50% hồ sơ công việc tại cấp huyện, 40% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; tỷ trọng kinh tế số đạt trên 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng doanh nghiệp sử dụng hợp đồng thương mại điện tử đạt 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt 2%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ kỹ số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt 50%...


Về giải pháp cụ thể, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh yêu cầu các cấp, ngành bám sát chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhất là Quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024 cho thủ trường các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số kịp thời, đúng tiến độ. Tập trung triển khai Dự án Hạ tầng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc nhằm nâng cấp, hình thành hạ tầng số, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, triển khai điện toán đám mây để xây dựng Trung tâm dữ liệu số, Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng theo hướng quản lý, vận hành, lưu trữ tập trung. Cùng với đó, củng cố an toàn thông tin, an ninh mạng; nâng cấp máy tính, mạng máy tính của các cơ quan, đơn vị. Triển khai kho dữ liệu điện tử dùng chung, cổng dữ liệu mở, các nền tảng dữ liệu dùng chung kết nối, đồng bộ với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các sở, ngành trên địa bàn tỉnh và tích hợp với Cổng dữ liệu quốc gia. Triển khai hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh phục vụ kết nối nền tảng Chính phủ điện tử quốc gia. Tiếp tục rà soát, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin. Triển khai xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng; khai thác hiệu quả các phần mềm ứng dụng dùng chung; phát triển hạ tầng kết nối số cho người dân…
 
Giữ vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024 cho thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; tham mưu và tổ chức triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024, phấn đấu xếp vị trí số 15/63, tỉnh, thành phố về DTI. Tiếp tục mở rộng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh. Tăng cường hỗ trợ, thực hiện triển khai thí điểm chuyển đổi số toàn diện tại 9 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Triển khai Dự án xây dựng hạ tầng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc; phần mềm phòng, chống mã độc tập trung giai đoạn 2024 - 2027… Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thiện các nền tảng số và chính quyền số vận hành đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trên môi trường thực - số; hình thành cơ chế, chính sách để kinh tế số ngày càng phát triển, đóng góp quan trọng cho GRDP của tỉnh.
 

Nguồn:vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 638.840
      Online: 34