Sáng 22/12, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và điều hành hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan; lãnh đạo các hội, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp; đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam; đại diện các cơ quan, chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa.

Tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc, các đồng chí: Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bùi Hồng Đô
chủ trì hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc 
 
Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, sau 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật. Năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP; đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp khoảng 3,6% GDP. Giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt trên 1 triệu tỷ đồng. Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt trên 7,2%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, cả nước có khoảng 70.320 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và lực lượng lao động thu hút trung bình khoảng 1,7 triệu - 2,3 triệu người, tăng 7,4%/năm. Đặc biệt, các ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp quan trọng đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong công tác quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh nền văn hóa Việt Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thời gian qua; đưa ra các giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách về thu hút nguồn lực xã hội, tăng cường liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; những chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy tối đa ngoại lực tranh thủ nội lực để phát triển; xây dựng sản phẩm văn hóa, thị trường văn hóa lành mạnh, nâng cao nhu cầu hưởng thụ của người dân và du khách. Đồng thời, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Cùng với đó, cần quyết tâm cao, nỗ lực, chủ động phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp phát triển ngành công  nghiệp văn hóa, chú trọng ngành có tiềm năng phát triển, trong đó, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn; có cách tiếp cận bình đẳng về chính sách thuế, đất đai, tín dụng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể  thao và Du lịch tiếp tục tham mưu ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong tình hình mới; xây dựng sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng gắn với vùng, miền, địa phương; nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi các tổ chức, doanh nghiệp tham gia các sản phẩm công nghiệp văn hóa; tăng cường kết nối thị trường cho các sản phẩm, trong đó, khuyến khích những sản phẩm có giá trị đột phá. Tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả; nghiên cứu xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê về các ngành công ngiệp văn hóa; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông và trên nền tảng số; lồng ghép trong các hoạt động quảng bá du lịch; tăng cường kết nối với thị trường quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo sau hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước khẳng định, tỉnh Vĩnh Phúc đã sớm quan tâm phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đa ngành, đan xen ở nhiều ngành kinh tế khác nhau với sự tham gia quản lý của nhiều đơn vị; vì vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ngành liên quan.

Cho rằng đây là lĩnh vực mới, song có tiềm năng phát triển ở Vĩnh Phúc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sau hội nghị, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tổ chức hội nghị chuyên đề toàn tỉnh để các cấp, ngành nhận thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai, thực hiện toàn diện, hiệu quả trên địa bàn tỉnh sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về phát triển ngành công nghiệp này.
Hồng Yến
 

Nguồn:vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 1.102.339
      Online: 18