Chiều 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác Tư pháp năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị.
Dự tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc
Năm 2023, toàn ngành Tư pháp đã kịp thời xây dựng, ban hành, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác theo thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đề ra. Các lĩnh vực của bộ, ngành Tư pháp triển khai thực hiện hầu hết đều tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.492 văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức trên 436.000 cuộc tuyên truyền, gần 11.000 cuộc thi tìm hiểu các quy định của pháp luật; phát hơn 44 triệu tài liệu tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Công tác trợ giúp pháp lý, theo dõi thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính có nhiều ấn tượng. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước tới nay. Toàn ngành đã thi hành xong hơn 500.000 việc và gần 90.000 tỷ đồng, tăng 0,74% về việc và tăng 18,96% về tiền so với cùng kỳ năm 2022. Việc triển khai Dự án đầu tư công về xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và thực hiện số hóa sổ hộ tịch được thực hiện đúng tiến độ; tính đến nay đã có 54/63 tỉnh, thành phố đang triển khai thực hiện số hóa Sổ hộ tịch theo quy định; số Sổ hộ tịch đã được số hóa là 2.524.892 sổ với gần 50 triệu dữ liệu. Công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực luật sư, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, thừa phát lại… tiếp tục được đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp còn một số tồn tại, hạn chế như: Chất lượng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật chưa cao; tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực vẫn chưa được khắc phục triệt để; số vụ thi hành án chuyển kỳ sau vẫn còn cao; hiệu quả thi hành án hành chính chưa đạt được kết quả như mong muốn...
Để công tác tư pháp đạt hiệu quả cao, trong năm 2024, toàn ngành Tư pháp sẽ tập trung 09 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: Kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện nghiêm Quy định số 132 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tiếp tục tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bổ trợ tư pháp; lý lịch tư pháp; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Năm 2024 và từ nay đến hết nhiệm kỳ là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng, quyết định hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Bộ Tư pháp cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ chất lượng các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đồng thời, thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tư pháp trong sạch, chuyên nghiệp, bản lĩnh, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra trong tình hình mới.