Sáng 21/12, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 do Bộ Ngoại giao tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến bước sang ngày làm việc thứ 2 với phiên họp toàn thể về “Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước”.

Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc

Phát biểu khai mạc và dẫn đề, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII đến nay, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục, đồng bộ, hiệu quả, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế đất nước. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã thực hiện 45 chuyến thăm tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và đón gần 50 đoàn lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tới thăm, tạo nên bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước.


Cùng với đó, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả hơn. Trên bình diện đa phương, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Những thành tựu đối ngoại này đã đóng góp vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử là “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, là kết quả của đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tham gia trực tiếp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc. Những kết quả đó cũng khẳng định nền đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và truyền thống ngoại giao hòa hiếu, nhân văn nhưng quật cường của dân tộc.

Trên tinh thần bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá và dự báo tình hình kinh tế quốc tế; những chuyển động mang tính bước ngoặt, các xu hướng lớn của kinh tế thế giới và khu vực. Cùng với đó, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả, thành tựu công tác ngoại giao kinh tế đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, nhất là từ sau khi ban hành Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế; làm rõ và sâu sắc hơn kết quả, rút ra các bài học kinh nghiệm.

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định rõ vai trò, tầm quan trong của công tác ngoại giao kinh tế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các chiến lược mới về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; đẩy mạnh đàm phán về xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường các nước truyền thống và thị trường tiềm năng. Tăng cường công tác ngoại giao với các nước liên minh Châu Âu và các đối tác tiềm năng nhằm thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Chủ động theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới để cảnh báo sớm các rào cản, bảo vệ môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá các thương hiệu quốc gia; mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điểm lại 6 điểm nhấn nổi bật của ngoại giao kinh tế Việt Nam, gồm: Đổi mới tư duy ngoại giao kinh tế; kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh nguồn lực trong nước với nguồn lực nước ngoài; ngoại giao kinh tế góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân; ngoại giao kinh tế góp phần quan trọng tạo ra môi trường hòa bình để hợp tác, phát triển; thúc đẩy ngoại giao văn hóa, phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc; thúc đẩy ngoại giao Nhân dân.


Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về ngoại giao kinh tế được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Tiếp tục nắm chắc tình hình để tham mưu cho Đảng, Nhà nước các chính sách về ngoại giao kinh tế trên cơ sở bảo vệ hài hòa lợi ích quốc gia dân tộc với chia sẻ rủi ro; xây dựng các thể chế, cơ chế chính sách để tăng cường hợp tác, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Bộ Ngoại giao tiếp tục đổi mới, phát huy tốt truyền thống ngoại giao tốt đẹp của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Xây dựng các biện pháp ngoại giao theo hướng thực tiễn, chân thành, hiệu quả. Đồng thời, bám sát các yêu cầu ở trong nước, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; xây dựng đội ngũ ngoại giao có chuyên môn cao, hiểu biết về luật pháp, có tâm, có tầm, chủ động trong công tác ngoại giao.
 

 

Nguồn:vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 662.951
      Online: 38