Sáng 6/10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị về tình hình, khả năng cung cấp điện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, các giải pháp ứng phó để bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn trong thời gian tới.

Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh. Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có các đồng chí: Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát biểu tại hội nghị

Tỉnh Vĩnh Phúc được cấp điện từ 2 trạm biến áp 220kV với tổng công suất đặt là 750MVA. Vào cao điểm hè năm 2022, các máy biến áp 220kV đã vận hành ở mức 95 - 100% công suất định mức. Về lưới điện 110kV, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 trạm biến áp 110kV. Vẫn còn 3 huyện Tam Dương, Yên Lạc và Sông Lô chưa có trạm biến áp 110kV riêng, việc cấp điện cho phụ tải trên địa bàn 3 huyện trên đang thực hiện trên đường dây trung áp từ các trạm biến áp 110kV Lập Thạch, Hội Hợp, 220kV Vĩnh Tường nối cấp. Hiện, các trạm biến áp này thường xuyên vận hành đầy tải, bán kính cấp điện xa nên không bảo đảm cấp điện cho các phụ tải. Như vậy, ngay từ quý IV/2023, tại tỉnh Vĩnh Phúc không những khó khăn về nguồn cấp từ các máy biến áp 220kV mà còn căng thẳng trên các đường dây 110kV tại các khu vực nêu trên, có nguy cơ cao phải tiết giảm điện năng trên địa bàn tỉnh vào mùa nắng nóng năm 2024.

Nhằm bảo đảm cung ứng điện trên địa bàn tỉnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, thời gian qua, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành các văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, hướng tuyến, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng… đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình điện. Cùng với đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên đã quan tâm đầu tư, triển khai 7 dự án có tính chất nguồn điện (220kV, 500kV) để cấp điện cho phụ tải trên địa bàn tỉnh và 23 dự án lưới điện 110kV. Tuy nhiên, vẫn còn một số công trình điện chậm đưa vào vận hành so với kế hoạch, trong đó có những công trình đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến an toàn vận hành, độ tin cậy cung cấp điện của cả tỉnh Vĩnh Phúc. Nguyên nhân do trình tự thủ tục thực hiện dự án gồm nhiều bước, phải tuân thủ nhiều quy định có khi chồng chéo. Các chủ đầu tư chưa thực sự sát sao với các dự án; chưa nghiên cứu đầy đủ, dự báo trước được các công việc phải thực hiện dẫn đến phát sinh nhiều việc ngoài kế hoạch, làm chậm tiến độ dự án. Cùng với đó là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; quy hoạch hướng tuyến; phê duyệt đơn giá đất cụ thể, hệ số điều chỉnh giá đất và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Để thực hiện các dự án điện theo quy hoạch được duyệt, hoàn thành nhiệm vụ cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các đơn vị liên quan đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là 6 dự án/cụm dự án được Sở Công Thương xác định là các công trình quan trọng, cấp bách liên quan trực tiếp đến bảo đảm cung cấp điện trong năm 2024. Đồng thời, tạo điều kiện trong triển khai các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo quy trình thủ tục rút gọn, giảm thời gian giải quyết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; cho phép triển khai thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư song song với các thủ tục về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thoả thuận địa điểm xây dựng.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định điện đóng vai trò quan trọng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, do đó, thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đến phát triển hạ tầng lưới điện.

Về kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh đã cho ý kiến chỉ đạo cụ thể, chi tiết vào từng dự án. Đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương quan quan tâm hướng dẫn, ưu tiên hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng công trình điện sớm hoàn thành các thủ tục hành chính; chủ động, linh hoạt hơn nữa trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án lưới điện. Đồng thời, thường xuyên báo cáo tiến độ, khó khăn vướng mắc của từng dự án để lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm. Đối với các chủ đầu tư thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cần chủ động hoàn thiện các công việc thuộc trách nhiệm của mình, phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng của tỉnh trong hoàn thiện các thủ tục hành chính, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình điện.

Nguồn:vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 662.803
      Online: 40