Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Qua đó, từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Đoàn viên, thanh niên Chi cục Thuế Tam Đảo hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Xác định xây dựng chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chuyển đổi số, trên cơ sở những kết quả đạt được trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, Vĩnh Phúc đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số.

Quá trình thực hiện, tỉnh đã lựa chọn được những công việc đột phá, tập trung vào một số nội dung trọng tâm như nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và toàn xã hội về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, nền tảng số, thông tin, dữ liệu số; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); củng cố an toàn thông tin, an ninh mạng; phát triển nguồn nhân lực số…

Đầu tháng 6/2023, Sở Giao thông vận tải đã triển khai DVCTT toàn trình cấp đổi giấy phép lái xe, đem lại nhiều tiện ích thiết thực và được người dân đánh giá cao. Anh Nguyễn Văn Nam, ở xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường cho biết:

“Khi thủ tục đổi giấy phép lái xe đã được cung cấp DVCTT toàn trình, chỉ vài thao tác đơn giản, tôi đã hoàn thành việc gửi hồ sơ một cách nhanh chóng ngay tại nhà; kết quả giải quyết hồ sơ sau đó sẽ được gửi theo đường bưu điện về tận nhà. Tôi thấy DVCTT rất tiện ích, giúp công dân không phải mất thời gian chờ đợi, đi lại nhiều lần, các khoản phí đảm bảo công khai, minh bạch”.

Cung cấp DVCTT ở mức độ cao luôn được Vĩnh Phúc xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).

Hiện nay, 100% TTHC của tỉnh đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đã được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình; trong đó có 452 DVCTT toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Với nhiều giải pháp đồng bộ, số lượng TTHC nộp trực tuyến trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 200 nghìn hồ sơ TTHC, trong đó có hơn 140 nghìn hồ sơ TTHC nộp trực tuyến, chiếm 68,4%. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh không ngừng được hoàn thiện, tối ưu để thuận tiện nhất cho tổ chức, công dân; đáp ứng quy trình tiếp nhận và xử lý giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị; bảo đảm liên thông 3 cấp tỉnh, huyện, xã và kết nối ngang dọc các hệ thống thông tin theo quy định của Chính phủ và của tỉnh.

Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã tích hợp định danh, xác thực với Cổng dịch vụ công quốc gia; người dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập bằng tài khoản dịch vụ công hoặc tài khoản định danh điện tử VneID mức độ 2.

Cán bộ, công chức tại bộ phận “một cửa” các cấp đã từng bước thay đổi tư duy từ "làm thay, làm hộ" sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp; quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng yếu thế (người già, người khuyết tật...); chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn các nhóm đối tượng có trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế thực hiện DVCTT. Qua đó, giúp người dân thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số.

Để sớm đạt mục tiêu xây dựng chính quyền số, một trong những nội dung Vĩnh Phúc ưu tiên triển khai là xây dựng nguồn “tài nguyên số”, đẩy mạnh tạo lập, khai thác, sử dụng, tăng cường chia sẻ, kết nối dữ liệu số.

Hiện nay, nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung của tỉnh đã kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia NGSP (Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng), NDXP (Văn phòng Chính phủ xây dựng). Qua các nền tảng này đã kết nối với các ứng dụng, cơ sở dữ liệu quốc gia tại các bộ, ngành Trung ương.

Bên cạnh đó, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh (IOC) đang được đẩy nhanh tiến độ vận hành thử nghiệm. Được ví như “bộ não” của chính quyền số và đô thị thông minh với khả năng cung cấp số liệu toàn diện, sau khi đi vào hoạt động, IOC sẽ là nơi tổng hợp, chuẩn hóa dữ liệu, phân tích, xử lý thông tin bằng công nghệ số, phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực.

Cùng với đó, Vĩnh Phúc tăng cường triển khai hệ thống văn bản điện tử và kết nối liên thông với trục văn bản quốc gia, từng bước hình thành môi trường làm việc số, hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan đơn vị hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu “Xây dựng chính quyền số để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”, Vĩnh Phúc sẽ tăng cường vai trò của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương trong xây dựng chính quyền số.

Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt để mỗi cán bộ, công chức, viên chức hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, từ đó chủ động nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tổ chức, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành công “cơ quan số” tại ngành mình, cấp mình.

Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy, nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện DVCTT; phát triển hạ tầng số, nền tảng số, thông tin số và dữ liệu số; củng cố an toàn thông tin, an ninh mạng; bồi dưỡng và thu hút nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số…

Nguồn: baovinhphuc.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 911.698
      Online: 136