Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở hạ tầng, nhưng với sự quyết tâm, cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các huyện miền núi của Vĩnh Phúc từng bước tháo gỡ được các khó khăn, tạo chuyển biến mới trong thực hiện chuyển đổi số, thu hẹp được khoảng cách số giữa các vùng miền và mang đến nhiều tiện ích cho người dân nhờ công nghệ số.

Cán bộ bộ phận một cửa hướng dẫn người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu chuyển đổi số tổng thể và toàn diện từ cơ quan Nhà nước, đến người dân, doanh nghiệp về phương thức sản xuất, đời sống sinh hoạt, cách thức lao động dựa trên công nghệ số. Để đạt được mục tiêu này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện; rà soát, xây dựng hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bảo đảm nhiệm vụ chuyển đổi số và thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số theo Quyết định của UBND tỉnh giao năm 2023.

Xác định rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, huyện Lập Thạch đã và đang tích cực triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về chuyển đối số; đẩy mạnh việc tích hợp chuyển đổi số tại những ngành, đơn vị có sự liên quan trực tiếp đến dân sinh; tăng cường cải cách hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm, toàn huyện tiếp nhận 14.416 hồ sơ; trong đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99.47%; tiếp nhận trên 2.500 hồ sơ trực tuyến, đạt 99,17%; 100% hồ sơ thủ tục hành chính có thu phí, lệ phí đều được thanh toán trực tuyến; trên 97% hồ sơ thủ tục hành chính có cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử; 100% các văn bản đến, đi được xử lý trên phần mềm quản lý văn bản bảo đảm theo yêu cầu.

Về kinh tế số, Lập Thạch khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; xây dựng, đưa sản phẩm OCOP và nông sản của địa phương được lên sàn thương mại điện tử, quảng bá trên các trang mạng xã hội. Nhiều nông dân đã chủ động đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chủ động cài đặt sử dụng các ví điện tử, mở tài khoản ngân hàng thúc đẩy không dùng tiền mặt trong giao dịch.

Triển khai hệ thống camera giám sát an ninh trật tự
tại các tuyến giao thông trục chính trên địa bàn tại Xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch
 
Hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật nền hành chính công là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính được huyện Tam Đảo tập trung chỉ đạo thực hiện, bởi đây là bước đệm để xây dựng chính phủ điện tử tiến tới xây dựng chính quyền số. Đến nay, toàn huyện có trạm 169 trạm BTS (2G, 3G, 4G); 100% cán bộ, công chức cấp được trang bị máy tính có kết nối internet sử dụng trong công việc (trừ các máy tính liên quan đến dữ liệu mật); 100% cơ quan Nhà nước có cổng/trang thông tin điện tử; 100% các cơ quan hành chính cấp huyện, cấp xã đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký số, kết nối liên thông giữa các đơn vị trong tỉnh.

Phát huy lợi thế là một trong những điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng cả nước, Tam Đảo đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giới thiệu, quảng bá, hình ảnh của địa phương để phục vụ khách cũng như phát triển du lịch thông minh: Thị trấn Tam Đảo đang thí điểm sử dụng Cổng thông tin điện tử thành phần; xây dựng nền tảng du lịch thông minh; hoàn thành việc nâng cấp hệ thống mạng LAN hoàn chỉnh…Đồng thời, duy trì hiệu quả các phần mềm dùng chung, như: Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, theo dõi nhiệm vụ, thư điện tử công vụ, một cửa điện tử...với trên 99% văn bản được thực hiện trên môi trường mạng và thực hiện ký số. Bên cạnh đó, huyện Tam Đảo đã tập trung xây dựng các nền tảng dữ liệu tích hợp, liên thông, dùng chung, từng bước xây dựng hạ tầng chính quyền số. Nhiều ứng dụng phục vụ người dân được đưa vào và triển khai hiệu quả như: Đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương lên sàn thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến, định vị các cửa hàng mua sắm trên bản đồ số và các dịch vụ công trực tuyến tại các cơ quan, đơn vị, phần mềm đăng ký khám, chữa bệnh...

Ông Vũ Huy Cường, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tam Đảo, cho biết: Chuyển đổi số đã giúp tăng hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, mở rộng sự kết nối liên thông giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phục vụ công dân, doanh nghiệp. Huyện Tam Đảo sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nội dung của chuyển đổi số, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển của doanh nghiệp, tạo ra giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội số an toàn, hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số ở các huyện miền núi gặp không ít khó khăn trên cả 3 yếu tố: Hạ tầng số; con người; cơ chế, chính sách. Cụ thể, các địa phương thiếu trang thiết bị, máy móc, phần mềm, điện lưới, đường truyền chưa thuận lợi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong việc kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác hiệu quả tài nguyên; vẫn còn số ít một bộ phận người dân chưa quan tâm đến lĩnh vực chuyển đổi số; nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp chưa có nhiều kiến thức, cộng với tư tưởng ngại khó, chậm đổi mới, chậm tiếp thu ứng dụng công nghệ thông tin. Mặt khác, điều kiện kinh tế - xã hội, cơ cấu chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, hạ tầng phục vụ cho nhiệm vụ chuyển đổi số.

Từng bước tháo gỡ những khó khăn này, các huyện miền núi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thúc đẩy phát triển hạ tầng số rộng khắp, hiện đại, phổ cập điện thoại thông minh tới người dân, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển. Tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin; ưu tiên chuyển đổi số ở các ngành, lĩnh vực trọng điểm, có ảnh hưởng sâu rộng tới toàn xã hội bằng những cách làm hay, hiệu quả. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản, kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị; triển khai các chính sách thu hút, hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thu hút, giữ chân cán bộ có trình độ chuyên môn cao về công nghệ thông tin, an toàn thông tin phục vụ chuyển đổi số của huyện.

Cùng với đó, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ tổ chức các chương trình phổ biến kiến thức về công nghệ số, các loại mô hình kinh tế số đổi mới sáng tạo; xây dựng nền tảng thu thập giữ liệu về doanh nghiệp, sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, nhân lực về sản xuất, phân tích, so sánh, đánh giá, dự báo về hoạt động sản xuất. Trong xây dựng chính quyền số, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Tiếp tục mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tăng cường hướng dẫn người dân và doanh nghiệp đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến…

Để tháo gỡ khó khăn về chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn, với vai trò là cơ quan thường trực, Sở Thông tin và Truyền thông tích cực phối hợp với các sở, ngành địa phương tổ chức các lớp đào tạo về kỹ năng số, bảo đảm an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức cùng các chương trình đào tạo chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách, phụ trách công nghệ thông tin để hình thành đội ngũ nhân lực có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu bảo đảm kết nối an toàn, liên tục phục vụ trao đổi, học tập, làm việc…trực tuyến từ xa; thu hút nguồn lực công nghệ thông tin.

Nguồn:vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 661.689
      Online: 27