Thực hiện Quyết định số 06 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, nghiêm túc. Sau 1 năm triển khai, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC), đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ, mục tiêu Đề án 06 đề ra, Vĩnh Phúc đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương, trong đó, tập trung xác định rõ 9 nhiệm vụ trọng tâm, 63 nhiệm vụ cụ thể gắn với 5 nhóm tiện ích; rà soát việc ký cam kết đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin trong kết nối đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung của Đề án 06 được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh cơ sở, tuyên truyền cổ động trực quan… nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về sự cần thiết của việc phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia, từ đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để hoàn thành Đề án 06 đúng tiến độ đề ra.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến, nhất là đối với các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu ban hành kèm theo Đề án 06; tích hợp, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đăng ký triển khai mô hình điểm về đảm bảo dữ liệu dân cư “Đúng, đủ, sạch, sống”.
Đồng thời, hướng dẫn quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.900 TTHC, trong đó, có gần 920 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, hơn 600 dịch vụ công trực tuyến một phần và hơn 340 dịch vụ công; đã đồng bộ hơn 740 dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, trong tháng 5/2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 26.000 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 73% tổng số hồ sơ tiếp nhận trong tháng.
Một số TTHC có tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến cao như thông báo lưu trú đạt 100%, làm mới con dấu và cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu đạt 100%, các TTHC trong lĩnh vực cư trú đạt 95%...
Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã thực hiện kết nối và chia sẻ dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác giải quyết TTHC cho công dân thuận lợi, chính xác.
Lực lượng Công an tỉnh tiếp tục tổ chức các điểm thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD), định danh điện tử lưu động tại các xã, phường, thị trấn… đảm bảo 100% công dân trong độ tuổi đủ điều kiện, tiêu chuẩn được cấp CCCD gắn chíp điện tử; tuyên truyền, vận động công dân tải, cài đặt ứng dụng VNeID, hướng dẫn công dân tạo tài khoản định danh điện tử mức độ 1 và đến cơ quan công an thực hiện đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận hơn 310.000 hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử.
Toàn tỉnh có hơn 95 cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện khám, chữa bệnh cho người dân bằng CCCD; hơn 800.000 CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT, đạt tỷ lệ 71% tổng số người tham gia BHYT.
Sở LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai việc cung cấp, cập nhật dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo 136/136 xã, phường, thị trấn đều triển khai thực hiện quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo trên hệ thống phần mềm.
Sở GDĐT chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phục vụ đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Hiện toàn tỉnh có 50% trường học đã triển khai thu học phí không dùng tiền mặt qua các tổ chức ngân hàng và các tổ chức liên quan.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đơn giản hóa các TTHC; giảm tối đa thời gian đi lại của công dân, tiết kiệm cho Nhà nước kinh phí phục vụ lưu trữ, bảo quản hồ sơ; thúc đẩy CĐS quốc gia, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để tiếp tục triển khai, thực hiện Đề án 06 theo đúng tiến độ, lộ trình đề ra, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần bảo đảm các điều kiện về hạ tầng, dữ liệu và nền tảng số; thúc đẩy quản trị điện tử với sự trợ giúp của công nghệ thông tin…
Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác cấp thẻ CCCD gắn chíp và định danh điện tử; tiếp tục hoàn thiện, duy trì thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm dữ liệu “Đúng, đủ, sạch, sống”; giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế trong công tác làm sạch dữ liệu dân cư…