Nhờ bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số, người dân trong tỉnh đang dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào hoạt động chuyển đổi số với nhiều hoạt động thiết thực như: Sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán dịch vụ không dùng tiền mặt; giao dịch điện tử trong thanh toán học phí, lệ phí; sử dụng thẻ bảo hiểm y tế số VssID, dụng dịch vụ đăng ký khám, chữa bệnh từ xa… Hòa mình vào “cuộc sống số”, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện chuyển đổi số, đem lại nhiều kết quả tích cực.

Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước và đúng hạn tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND huyện Yên Lạc năm qua đạt 99,94%

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là với cách làm riêng trong xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, bước đầu hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn huyện Yên Lạc đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần giải quyết các vấn đề của xã hội và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chuyển đổi số ngày càng được nâng cao, các địa phương đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022. Phần lớn các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai chữ ký số; 100% văn bản đi, đến được thực hiện trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết trên phần mềm một cửa điện tử, cổng dịch vụ công của tỉnh; 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa điện tử; 100% công chức, viên chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; 100% các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND huyện được cập nhật trên hệ thống quản lý khiếu nại, tố cáo do Thanh tra tỉnh triển khai…

Theo ông Nguyễn Lê Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc: Việc triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất, công tác giải ngân vốn đầu tư công, bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân… đều đạt kết quả tốt. Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh số hóa trong giải quyết thủ tục hành chính, Yên Lạc đã từng bước thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại, gắn với số hóa, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số, kinh tế số; ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số đem lại để phục vụ cho chính cơ quan đơn vị, cho cộng đồng và xã hội. Chuyển đổi số đã góp phần quan trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân, giúp ích nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội và thực thi nhiệm vụ tại địa phương.

Trong năm 2022, tổng số hồ sơ tiếp nhận tại bộ phận một cửa của huyện là 59.423 hồ sơ, trong đó, 100% người dân nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn đạt 99,94%. Trên địa bàn huyện đã phát sinh 40.093 hồ sơ được thanh toán phí, lệ phí trực tuyến không dùng tiền mặt, đạt 67,5%. Tổng số tiền thu trực tuyến đạt 1.145.848.000 đồng. Đến nay, toàn huyện có 3.116/3.381 hồ sơ chứng minh nhân dân 9 số được cập nhật; đã rà soát, điều chỉnh 4/4 hộ không có chủ hộ, đạt 100%; huỷ 308/413 số định danh theo Đề án 06 của Bộ Công an. Công an huyện đang tiếp tục rà soát, cập nhật thông tin đối với 1.170 chỉ tiêu do thiếu trường thông tin và 1.827 chỉ tiêu do sai lệch dữ liệu với căn cước công dân mới được đẩy về để dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”.

Bên cạnh chuyển biến về thể chế thì nhận thức của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đã thay đổi đáng kể. Nhiều doanh nghiệp, kể cả những người dân kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ đã dần có thói quen không sử dụng tiền mặt trong giao dịch hằng ngày. Các hình thức giới thiệu, quảng bá hàng hóa, sản phẩm trên các trang mạng xã hội như Zalo, facebook được đẩy mạnh. Những thay đổi lớn về nhận thức đã góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Huyện Tam Dương đẩy mạnh cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp và tích hợp định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2 tại các xã, thị trấn

Xác định chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân nhận thấy công nghệ là hữu ích, thiết thực, UBND huyện Tam Dương kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về xây dựng, phát triển chính quyền số và chuyển đổi số bảo đảm tính khả thi, sát với đặc điểm, tình hình và nhu cầu phát triển của huyện; đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số để người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Kết quả, toàn huyện đã thành lập được 130 tổ công nghệ số cộng đồng ở 100% các thôn xóm, tổ dân phố trên địa bàn; UBND các xã đã thành lập nhóm quản lý, điều hành và hỗ trợ hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương với hơn 100 thành viên tham gia.

Ông Lê Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: với phương châm: Nhận thức là quyết định, người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chính quyền phải đi tiên phong, UBND huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Ngoài ra, huyện còn huy động, sử dụng các nguồn lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn kiến thức chung về chuyển đổi số, hướng dẫn các hộ sản xuất đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; hiện tại đã thực hiện xong về truyền thanh thông minh ứng dụng công nghệ thông tin cho 14 cụm loa, nhờ đó  đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền nhiệm vụ chuyển đổi số của địa phương…

Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được đầu tư đến 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; có 167 trạm di động 2G, 3G, 4G; trên địa bàn huyện có tổng số 123.000 thuê bao di động. Các cơ quan Đảng, Nhà nước được kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng; mạng internet được phủ sóng rộng khắp toàn huyện, 100% thôn, khu phố được cáp quang hóa, an toàn thông tin được bảo đảm. Các hệ thống thông tin dùng chung như: Quản lý văn bản điều hành, một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến; hệ thống hội nghị trực tuyến được triển khai đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp huyện đến cấp xã, thực hiện 86 cuộc họp trực tuyến với các cơ quan tỉnh, xã... hoạt động có hiệu quả, đóng góp tích cực vào công tác cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Việc phát triển kinh tế số, xã hội số được quan tâm triển khai toàn diện. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp đã phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng sản xuất thông minh, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao; tăng cường hoạt động kinh doanh qua mạng, phát triển thương mại điện tử đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP của huyện. 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Một số lĩnh vực có kết quả khả quan, như việc ứng dụng các phần mềm công vụ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, rà soát làm sạch dữ liệu dân cư quốc gia, triển khai số hóa hồ sơ, Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của Chính phủ. Thực hiện việc thanh toán phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến không dùng tiền mặt đối với 100% thủ tục hành chính có thu phí, lệ phí.

Việc đưa công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển các mô hình mới trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố; tạo nền tảng, cơ sở để hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh; tạo môi trường giao dich thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử, mua sắm hàng hóa trực tuyến; 10% các siêu thị mini, cửa hàng kinh doanh có thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt; khoảng 20% các cửa hàng kinh doanh có mã QR code để thanh toán qua tài khoản Internet banking; 43% người từ 18 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại tổ chức tín dụng, ngân hàng; 100% doang nghiệp của huyện đã sử dụng hóa đơn điện tử; 13/13 xã, thị trấn vận hàng phần mềm một cửa điện tử VNPT iGate đạt 100%.

Bên cạnh những thành quả đạt được trong công tác chuyển đổi số một năm qua, hiện các địa phương vẫn tồn tại những vấn đề còn hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trịnh Quốc Trung, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Yên Lạc cho biết: Nhân lực công nghệ thông tin có trình độ tại huyện đang rất thiếu, hiện cả huyện có 1 cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin làm việc tại Văn phòng UBND huyện nhưng cán bộ này chuẩn bị chuyển công tác, nên Yên Lạc đang rất "khát” nhân lực công nghệ thông tin, bởi dù cán bộ, công chức, viên chức và Tổ công nghệ số cộng đồng đã được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ công tin, kiến thức chung về chuyển đổi số nhưng mới chỉ tự xử lý hoặc nhờ người xử lý được các sự cố, lỗi công nghệ thông tin nhỏ; còn các sự cố phức tạp liên quan đến an ninh, an toàn mạng đều phải nhờ các cơ quan chuyên môn cấp trên.

“Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin triển khai các giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển chính quyền số, chuyển đổi số chưa được đầu tư đồng bộ. Trình độ tin học, khả năng sử dụng máy tính của một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn hạn chế. Việc phổ cập điện thoại thông minh đến người dân tại các khu vực nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Người dân, doanh nghiệp còn e ngại khi tiếp cận, sử dụng các công cụ công nghệ số trong giao dịch với cơ quan nhà nước. Hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng chưa được phát huy hiệu quả cao nhất” - ông Lê Xuân Thủy, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tam Dương chia sẻ những khó khăn khi thực hiện công tác chuyển đổi số tại địa phương hơn 1 năm qua.

Nhiệm vụ phía trước còn nhiều khó khăn, tuy nhiên với những thành quả bước đầu cùng sự quyết tâm chính trị cao, sự đồng hành của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi số của các địa phương sẽ đạt được những mục tiêu đề ra trong năm 2023 và tạo ra bước đột phá quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Nguồn:vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 1.111.441
      Online: 5