Những năm qua, Vĩnh Phúc ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân từng bước làm chủ công nghệ và đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số. Từ đó, góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Mô hình cây bán hàng tự động của anh Bùi Quang Hưng, xã Đại Đồng (Vĩnh Tường) được triển khai lắp đặt rộng rãi tại khu công nghiệp Bá Thiện (Bình Xuyên) đáp ứng nhu cầu sử dụng của công nhân, người lao động.
Cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về hỗ trợ khởi nghiệp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, đề án về hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp; tổ chức các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, phát động chương trình thanh niên khởi nghiệp...
Nổi bật là Nghị quyết số 18 của HĐND tỉnh “Quy định một số nội dung và mức chi để thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”; việc ký kết Chương trình số 10 phối hợp hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025 giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Vĩnh Phúc với mục tiêu hình thành và phát triển Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường các hoạt động kết nối, phối hợp nhằm thu hút các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu KHCN, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và các nguồn lực khác phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng như “ươm tạo” các DN hoạt động trong lĩnh vực KHCN. Kết nối các DN, tập đoàn quy mô lớn với các DN, tổ chức, cá nhân có dự án, ý tưởng khởi nghiệp.
Bước ra từ cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc - Lần thứ I, năm 2022” với ý tưởng “Thiết bị tự động thông báo vị trí xảy ra tai nạn giao thông thông qua hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và mạng GSM” thuộc lĩnh vực kỹ thuật điện tử và tự động hóa, Thạc sĩ Trần Ngọc Thái, ở xã Đình Chu (Lập Thạch) cùng vợ là chị Lê Thị Hồng, giáo viên Trường THCS Sơn Đông (Lập Thạch) đang từng bước hoàn thiện và đưa sản phẩm áp dụng vào thực tiễn.
Xuất phát từ thực trạng các vụ tai nạn giao thông (TNGT) diễn ra phức tạp và khó lường, nhất là các vụ TNGT xảy ra vào ban đêm hay tại những khu vực ít người qua lại thì việc phát hiện sớm người bị tai nạn rất khó khăn và không kịp thời, dẫn đến hậu quả đáng tiếc, vợ chồng anh Thái đã nghiên cứu, chế tạo, lắp ráp thử nghiệm thành công thiết bị phát hiện chính xác vị trí xảy ra vụ TNGT để phát tín hiệu cầu cứu tại chỗ bằng còi và đèn, đồng thời truyền thông tin, vị trí TNGT thông qua hệ thống GPS và gửi tin nhắn đến cho người thân, cơ quan chức năng thông qua mạng di động toàn cầu (GSM) để kịp thời xử lý hậu quả và cứu chữa người bị nạn.
Ý tưởng của vợ chồng anh Thái đã lọt vào Vòng Chung kết của cuộc thi và đạt Giải Khuyến khích, được Ban Tổ chức đánh giá có ý nghĩa cao bởi giá trị thực tiễn và những lợi ích mang lại cho xã hội.
Anh Thái cho biết: “Hiện tại, chúng tôi mới chỉ chế tạo thành công thiết bị và thử nghiệm trên ô tô mô hình và chưa có điều kiện thử nghiệm trên phương tiện thực tế. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn nhận được sự tài trợ, hỗ trợ kinh phí từ các nhà đầu tư, DN để việc sản xuất thiết bị và sớm được triển khai trong thực tế”.
Cũng là một trong những cá nhân đạt giải Khuyến khích tại cuộc thi này, ý tưởng “Xây dựng hình thành chuỗi giá trị sản phẩm từ mô hình cây bán hàng tự động nhằm phát triển văn minh đô thị và công nghệ số hóa, tự động hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” của anh Bùi Quang Hưng (sinh năm 1987) ở xã Đại Đồng (Vĩnh Tường) hiện đã được ứng dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực.
Xuất phát từ mong muốn xây dựng một hình ảnh đẹp cho tỉnh nhà, tạo thói quen tiêu dùng văn minh cho người dân tại những nơi công cộng, anh Hưng đã từng bước hiện thực hóa ý tưởng của mình, hình thành chuỗi máy bán hàng tự động với nhiều cải tiến về kỹ thuật.
Quy trình hoạt động tương tự như các thế hệ máy bán hàng tự động khác, người mua có thể dùng tiền polymer hoặc tiền giấy (tiền Việt Nam) mệnh giá từ 5.000 - 50.000 đồng để mua các sản phẩm nước giải khát đóng chai. Tuy nhiên, cải tiến kỹ thuật đáng kể của dòng máy do anh Hưng triển khai là ở chỗ máy được cài đặt tính năng nhận biết và trả lại tiền thừa cho người mua.
Bên cạnh đó, ngoài các sản phẩm nước giải khát đóng chai, hệ thống cây bán hàng tự động này còn có thêm tiện ích cung cấp sản phẩm cà phê và mỳ tôm kèm theo nước nóng để pha chế theo nhu cầu của khách hàng.
Máy sử dụng nguồn điện 120V và 220V, có màn hình LED hiển thị, có bộ phận quét mã QR... và được quản lý bằng hệ thống phần mềm hiện đại, kiểm soát được lượng hàng hóa bán ra từng ngày.
Sau một thời gian đưa vào sử dụng, đến nay đã có gần 50 máy bán hàng tự động được lắp đặt tại một số khu công nghiệp (KCN), địa điểm công cộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy có nhiều lợi ích thiết thực và được nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc tại các công ty lớn ở các KCN trong tỉnh đánh giá cao, song hiện nay, công tác quản lý và duy trì vận hành của hệ thống máy bán hàng tự động này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
“Để nâng cao hiệu quả cũng như từng bước nhân rộng mô hình trong thời gian tới, tôi rất mong có được sự quan tâm, hỗ trợ về kinh phí của các DN, nhà đầu tư cũng như sự phối hợp, vào cuộc của các cơ quan chức năng” - Anh Hưng chia sẻ.
Tiếp tục quan tâm khai thác, phát huy tiềm năng KHCN, nhất là trí tuệ, tiềm năng của đội ngũ trí thức trẻ, thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh việc ban hành, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực, nhất là trong hoạt động SXKD.
Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng tiến bộ KHCN nhằm tận dụng tốt các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tạo môi trường thuận lợi cho DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.