Đây là chủ đề hội thảo khoa học cấp Quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp tổ chức theo hình thức trực tuyến toàn quốc sáng 27/2.

Các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chủ trì hội thảo.

Dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành; các chuyên gia, nhà nghiên cứu về văn hóa.

Hội thảo "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) do cố Tổng Bí thư Trường Chinh khởi xướng, với mục đích khẳng định và phát huy những giá trị cốt lõi của một văn kiện có ý nghĩa lịch sử; nghiên cứu quá trình vận dụng đường lối văn hóa của Đảng vào thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây đựng đất nước; tổng kết những thành tựu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang và các đại biểu dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc

Hội thảo đã nhận được 173 tham luận của các cơ quan, tổ chức, các nhà quản lý, nhà khoa học và những người trực tiếp làm công tác văn hóa nghệ thuật trong cả nước, tập trung vào 2 nội dung: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam và văn hóa, con người Việt Nam dựa trên nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Trên cơ sở nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn vận dụng các quan điểm, đường lối của Đề cương về văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ, các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học đã làm rõ vị trí, vai trò của văn hóa trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc; về sự tất yếu phải thực hiện cách mạng tư tưởng văn hóa sau khi cách mạng chính trị thành công; những giá trị cốt lõi, tốt đẹp của giá trị văn hóa truyền thống của con người Việt Nam; định hướng xây dựng một nền văn hóa mới. Đồng thời kiến nghị, đề xuất một số cơ chế, chính sách về phát triển văn hóa; các giải pháp để đưa ngành công nghiệp văn hóa thành một trụ cột phát triển dựa trên 3 nguyên tắc: Dân tộc, khoa học, đại chúng.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã hun đúc, hình thành nên một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, mang đậm truyền thống quý báu của dân tộc ta, thể hiện nổi bật phẩm chất, lương tri, trí tuệ, bản lĩnh và khí phách của con người Việt Nam. Từ trong cội nguồn sâu thẳm, văn hoá đã trở thành hồn cốt, là điểm tựa, dệt kết nên sức mạnh vĩ đại và trường tồn của sức mạnh nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giành, giữ và bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đặc biệt, hội thảo lần này sẽ không chỉ nhìn lại dấu mốc tự hào ở 80 năm về trước mà chính là một sự tiếp nối, tìm ra các giải pháp thiết thực về phát triển văn hóa trong bối cảnh hiện nay, góp phần triển khai thắng lợi quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển văn hoá, con người Việt Nam trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kết luận của Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021, quán triệt sâu sắc bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị này.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng mong muốn sau hội thảo này, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá đối với phát triển; hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người; chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Cùng với đó, có các cơ chế, chính sách đồng bộ từ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đầu tư không chỉ cho hạ tầng kỹ thuật như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia. Hoàn thiện thể chế, phát huy vai trò của cơ chế thị trường trong huy động và phân bổ hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển văn hóa. Xử lý thật tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong phát triển văn hoá. Quan tâm toàn diện đến cả chủ thể quản lý, chủ thể sáng tạo, chủ thể thực hành, chủ thể truyền bá văn hóa cùng với phát huy vai trò của nhân dân với tư cách là trung tâm của sự sáng tạo và hưởng thụ văn hoá. 

Nguồn:vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 624.946
      Online: 35