Quá trình thực hiện chuyển đổi số tại Vĩnh Phúc, dù mới khởi đầu, thời gian chưa dài nhưng đã đi đúng hướng, đã lựa chọn được những công việc đột phá, tạo cơ sở, nền tảng phát triển nhanh, bền vững. Có được những kết quả tích cực đó là do Vĩnh Phúc đã nhận thức đúng trong quá trình triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số, đặc biệt tỉnh chú trọng đến thực hiện chỉ số thể chế và coi đây như là ngọn đèn soi đường dẫn dắt, chỉ lối trong thực hiện các hoạt động chuyển đổi số.
Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia được ban hành tại Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20/05/2022 của Bộ Thông tin & Truyền Thông. Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh gồm 98 chỉ số thành phần với thang điểm đánh giá tối đa là 1.000 điểm, được cấu trúc theo 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; bao gồm Thông tin chung, Chỉ số đánh giá gồm 9 chỉ số chính (6 chỉ số thuộc nhóm chỉ số nền tảng chung, 3 chỉ số thuộc nhóm chỉ số nền tảng hoạt động). Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 56 chỉ số thành phần, thang điểm tối đa là 500 điểm đánh giá về nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng và đô thị thông minh. Nhóm chỉ số hoạt động gồm 42 chỉ số thành phần, thang điểm tối đa là 500 điểm đánh giá về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Kết quả xếp hạng đánh giá chuyển đổi số năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố sáng 8/8/2022 cho thấy Vĩnh Phúc đạt 0,4880 điểm, xếp thứ 12/63 tỉnh thành, tăng 43 bậc so với năm 2020. Trong đó, 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Vĩnh Phúc nằm trong top 10. Đặc biệt trong 6 chỉ số chính thuộc nhóm chỉ số nền tảng chung, Vĩnh Phúc xếp thứ 1/63 tỉnh thành về chỉ số thể chế số. Cùng với đó, các chỉ số nhân lực số, an toàn thông tin mạng xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh với thứ hạng lần lượt là 3/63 và 4/63 tỉnh thành.
Kết quả đánh giá bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 khẳng định nỗ lực vượt trội của Vĩnh Phúc trong thực hiện chuyển đổi số. Hơn thế, thứ hạng số 1 của chỉ số thể chế số cho thấy Vĩnh Phúc đã làm tốt nhiệm vụ thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số bảo đảm phù hợp với điều kiện, thực tiễn của địa phương.
Xếp hạng của Vĩnh Phúc trên bảng tổng thể xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh.
Để thúc đẩy "con tàu" chuyển đổi số đi đúng hướng, năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến chuyển đổi số như kiện toàn Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh; Chỉ thị của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị của UBND tỉnh thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc; giao nhiệm vụ, chỉ tiêu chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số…
Các văn bản ban hành thể hiện rõ vai trò định hướng, dẫn dắt nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh đi đúng đường lối của TƯ cũng như mục tiêu của tỉnh trong chuyển đổi số. Cụ thể như Kế hoạch số 327/KH-UBND ngày 31/12/2021 về cải thiện và nâng cao chỉ số chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, Vĩnh Phúc xác định bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, đặc biệt là bộ chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh quy định tại Quyết định số 1726/QĐ-BTTTT ngày 12/10/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông và các văn bản điều chỉnh, thay thế để triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại địa phương.
Và để tạo cơ sở pháp lý, cơ chế thúc đẩy chuyển đổi số, Kế hoạch số 327/KH-UBND ngày 31/12/2021 về cải thiện và nâng cao chỉ số chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 xác định rõ, cần xây dựng các quy định, quy chế liên quan đến phối hợp triển khai chính quyền điện tử như thu thập, tạo lập, cập nhật, chia sẻ dữ liệu, khai thác thông tin, dữ liệu, cơ sở dữ liệu nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận và sử dụng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Xây dựng các chính sách để huy động nguồn lực của các doanh nghiệp thông qua thuê, sử dụng dịch vụ. Xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể hóa các nội dung về an toàn thông tin theo hướng quy định về trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin đối với tổ chức, cá nhân. Hoàn thiện việc tổ chức đánh giá xếp hạng chỉ số chuyển đổi số của các ngành, đơn vị, địa phương. Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung nội dung chuyển đổi số vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Hằng năm, các cấp, các ngành, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tại cơ quan, đơn vị trên cơ sở các Quyết định, Kế hoạch tỉnh đã ban hành như: Quyết định số 2696/QĐ-UBND ngày 28/9/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 24/3/2021 của UBND tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động cơ quan Nhà nước năm 2021 và giai đoạn 2021-2025;…
Để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số, ngày 16/5/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Chỉ thị số 23 ra đời có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng, và như mệnh lệnh "đưa đường chỉ lối" cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.
Chỉ thị nêu rõ yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần xác định chuyển đổi số là động lực phát triển toàn diện của tỉnh vừa cấp bách vừa lâu dài; là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc vào nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số.
Để đạt mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, quyết định của Trung ương, của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội phải tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Mỗi huyện, thành phố chủ động lựa chọn tối thiểu một đơn vị cấp xã để triển khai thử nghiệm chuyển đổi số, đánh giá, triển khai nhân rộng. Cùng với đó, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh. Ưu tiên bố trí ngân sách và các nguồn lực khác theo đúng quy định để thực hiện thành công các nhiệm vụ chuyển đổi số theo định hướng, kế hoạch của tỉnh.
Trên cơ sở các các văn bản chỉ đạo của TƯ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp đã vào cuộc, nỗ lực triển khai thực hiện; nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thời gian tới, để giữ vững và vươn lên thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng DTI cấp tỉnh, Vĩnh Phúc xác định cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về thúc đẩy dịch vụ công thiết thực mức độ 3, 4, giai đoạn 2021-2025 với mục đích hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử; UBND tỉnh ban hành, cập nhật bộ chỉ số chuyển đổi số áp dụng cho các cơ quan, đơn vị địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; cập nhật, sửa đổi Kế hoạch số 327/KH-UBND ngày 31/12/2021 về cải thiện và nâng cao chỉ số chuyển đổi số, giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với các tiêu chí tại Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20/05/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông; điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số cho thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tại Quyết định số 488/QĐ-UBND ngày 14/3/2022 của UBND tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh quan tâm đẩy mạnh phát triển hạ tầng số phục vụ xây dựng nền tảng số, dữ liệu số; củng cố an toàn thông tin, an ninh mạng (xây dựng Trung tâm giám sát an toàn, an ninh không gian mạng – SOC, triển khai hệ thống phòng chống mã độc, Virus, kết nối, chia sẻ thông tin tập trung); nâng cấp mạng máy tính, máy tính của các sở, ban, ngành của tỉnh; mạng máy tính, máy tính, máy in, máy quét cấp xã, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất cho cấp xã tham gia cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4, khai thác, vận hành hệ thống một cửa điện tử liên thông, triển khai các ứng dụng chuyên ngành, số hóa, cập nhật dữ liệu điện tử… Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng mạng lưới, cung cấp mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật xây dựng chính quyền số, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát triển dữ liệu số, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cổng dữ liệu mở, công cụ phân tích dữ liệu (hình thức thuê) cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, phân tích phục vụ sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo như: Cơ sở dữ liệu về đất đai, Hệ thống thông tin quản lý quy hoạch xây dựng, cơ sở dữ liệu về chủng loại, sản phẩm hàng hóa sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, cơ sở dữ liệu ngành công thương, ứng dụng du lịch thông minh. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực, tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu cho cán bộ làm về công nghệ thông tin, hình thành đội ngũ chuyên gia có đủ năng lực tham mưu xây dựng chính quyền điện tử.