Chiều 25/8/2022, đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị nghe Sở Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay, phương hướng nhiệm vụ các tháng tháng cuối năm 2022. Dự hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố.

Toàn tỉnh hiện có 35 cơ quan, địa phương thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số, 34 đơn vị xây dựng kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2025 và kế hoạch chuyển đổi số hằng năm. Tỉnh đã thành lập 1.239 tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn, tổ dân phố với 4.993 người tham gia; lực lượng chủ chốt là đoàn viên thanh niên, hội viên nông dân, hội phụ nữ, cán bộ Bưu điện tỉnh, Viettel Vĩnh Phúc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang phát biểu kết luận hội nghị.

 

Vĩnh Phúc đang triển khai đúng hướng các nhiệm vụ về chuyển đổi số như phổ cập định danh điện tử; an toàn thông tin mạng, an ninh mạng; hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; dạy học trực tuyến; chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; phổ biến hóa đơn điện tử; kỹ năng số; quy hoạch đô thị thông minh… Về thúc đẩy các phương thức thanh toán số, thương mại điện tử, thương mại số, Vĩnh Phúc có 7.852 giao dịch thành công. Tỉnh đang thúc đẩy thí điểm chuyển đổi số toàn diện tại 4 xã, thị trấn là xã Lãng Công, xã Hướng Đạo, thị trấn Thổ Tang và thị trấn Tam Đảo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi số của tỉnh diễn ra chưa đồng đều giữa các sở, ngành, địa phương. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa xác định rõ trách nhiệm, chưa đề xuất các công việc cụ thể liên quan đến chuyển đổi số, chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã được UBND tỉnh giao. Đặc biệt, chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận trực tuyến/tổng số hồ sơ bình quân toàn tỉnh đạt thấp: 10,38% so với yêu cầu 50%. Hạ tầng số của tỉnh vẫn chưa thực sự tiếp cận công nghệ hiện đại; nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các sở, ngành huyện, thành phố còn rất thiếu và chưa đáp ứng về năng lực, trình độ.

Tại hội nghị các đại biểu đề nghị để thúc đẩy nhanh nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống và người dân; cần tạo cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút nhân lực và động viên kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt chuyển đổi số.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang yêu cầu toàn tỉnh quyết liệt vào cuộc, quyết tâm, tập trung đẩy nhanh chuyển đổi số; kiện toàn bổ sung thành viên ban chỉ đạo chuyển đổi số. Công an tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 06 trên địa bàn, kết nối khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh xác thực điện tử xong trước 15/9 để liên thông vào cơ sở dữ liệu Quốc gia. VNPT tiếp thu ý kiến của các sở, ngành, tiếp tục nâng cấp, tối ưu hóa các phần mềm; khắc phục hạn chế, tồn tại của phần mềm một cửa điện tử. Các sở, ngành nghiên cứu đề xuất của Viettel Vĩnh Phúc thực hiện thí điểm chuyển đổi số tại 1 đơn vị cấp huyện. Sở Thông tin và Truyền thông bảo đảm đồng bộ các nền tảng, phần mềm; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh 2 nghị quyết về thúc đẩy dịch vụ công toàn tỉnh giai đoạn 2022-2026 và nghị quyết về hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Nguồn: www.vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 629.540
      Online: 51