Năm 1997, thời điểm mới tái lập, Vĩnh Phúc là tỉnh thuần nông với hơn 90% lao động làm việc trong ngành Nông nghiệp, ngành Công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, số lượng doanh nghiệp ít và hầu hết có công nghệ rất lạc hậu, cơ sở hạ tầng thấp kém.
Toàn tỉnh khi đó còn 6 xã chưa có điện, 1/3 số km đường tỉnh lộ mới đạt tiêu chuẩn cấp IV, cấp V miền núi, đường huyện mới có 10 km đường nhựa, bê tông, 251 km cấp phối, đường giao thông nông thôn chủ yếu là đường đất…, thu ngân sách chỉ đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng, thu nhập đầu người đạt khoảng 140 USD/năm, bằng chưa đầy một nửa bình quân chung cả nước...
25 năm sau, Vĩnh Phúc tự hào đã trở thành “một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc” như Bác Hồ từng mong muốn khi Người về thăm tỉnh năm 1963.
Vượt lên từ gian khó
Xuất phát từ các bài học trên cơ sở thực tế tình hình của đất nước, bối cảnh thế giới và yêu cầu phát triển cụ thể của tỉnh, Vĩnh Phúc đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa bài bản bằng các nghị quyết, các chương trình hành động của tỉnh để tranh thủ thời cơ, khai thác tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức trước mắt cũng như lâu dài, đưa KT-XH phát triển nhanh và bền vững.
Khu Trại Ổi (Vĩnh Yên) khi Vĩnh Phúc mới tái lập...
Cụ thể, tỉnh đã xây dựng một số mục tiêu cốt lõi với quyết tâm thực hiện bằng được, thực hiện có hiệu quả gồm: Nhanh chóng xóa đói, thoát nghèo; đi lên bằng công nghiệp, lấy công nghiệp là trung tâm; tận dụng cơ hội hội nhập kinh tế; đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, trình độ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến; tập trung vào 3 trụ cột là phát triển kinh tế, an sinh xã hội và đảm bảo môi trường - đảm bảo an ninh trật tự; xây dựng một xã hội hài hòa, ổn định, văn minh; xây dựng Vĩnh Phúc thành nơi đáng sống của tất thảy người dân.
Qua gần 25 năm tái lập, tỉnh đã vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, với những chủ trương, chính sách đúng, phù hợp thực tiễn, từ đó vươn lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội; tạo tiền đề để Vĩnh Phúc đẩy nhanh sự nghiệp CNH-HĐH.
Hiện tại, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong cả nước; bình quân giai đoạn 1997-2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 13,42% (có năm tăng trên 20%), cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong đó, riêng năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn do dịch bệnh tác động từ đầu năm, quy mô rộng, diễn biến phức tạp trong cả nước, thậm chí được coi là năm khó khăn nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay; song, với sự quyết liệt chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của HĐND, UBND tỉnh, tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt 8,02%, đứng thứ 9 toàn quốc và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
và bây giờ...
Năm 1997, GRDP của tỉnh chỉ ở mức gần 2 nghìn tỷ đồng; đến năm 2020 đã đạt trên 123,6 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 14 cả nước và sang năm 2021 đạt trên 136 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 68 lần so với năm 1997).
Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch tích cực: Khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Ước năm 2021, tỷ trọng khu vực này chiếm đến 63,74% tổng giá trị tăng thêm của 3 khu vực kinh tế (năm 1997 tỷ trọng khu vực này là 18,4%).
GRDP bình quân đầu người của tỉnh được cải thiện tích cực khi tăng từ 2 triệu đồng/người (năm 1997) lên 105,5 triệu đồng/người (năm 2020), đưa GRDP bình quân đầu người của tỉnh cao gấp 1,73 lần so với GRDP bình quân đầu người của cả nước, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Ước năm 2021, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 114 triệu đồng/người, bằng 52 lần năm 1997.
Đô thị Vĩnh Phúc hôm nay.
Thu ngân sách của tỉnh có nhiều bước chuyển nhanh chóng. Năm 1997 chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng; sau 5 năm tái lập tỉnh, năm 2002 thu ngân sách của tỉnh đã vượt dấu mốc 1.000 tỷ đồng. Năm 2009 tăng lên hơn 10.000 tỷ đồng và tới năm 2014 thì vọt lên mức 20.000 tỷ đồng.
5 năm trở lại đây, số thu ngân sách của bình quân hằng năm đạt từ 32-33 nghìn tỷ đồng, đặc biệt năm 2019 đạt trên 35 nghìn tỷ đồng, là tỉnh có số thu ngân sách đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Những chìa khóa quan trọng
Thu hút đầu tư được tỉnh coi là chìa khóa quan trọng để đưa địa phương có cơ hội phát triển lên những tầm cao mới, có thể theo kịp thời đại. Chính vì vậy, dù ở thời điểm nào, Vĩnh Phúc cũng tập trung mọi nhân lực, vật lực, tài lực vào lĩnh vực này.
Tam Đảo bồng bềnh mây trắng luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước
Thời điểm mới tái lập, tỉnh chỉ có 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI). Đến năm 2021, toàn tỉnh đã có 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD và 824 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là gần 110 nghìn tỷ đồng. Vĩnh Phúc cũng trở thành điểm đến, phát triển của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới như TOYOTA, HONDA, PIAGIO, SUMITOMO, TOTO, SOJITZ, COMPAL...
Trong năm 2021, mặc dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, song toàn tỉnh có gần 1.150 doanh nghiệp mới thành lập, 360 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; trong đó có nhiều dự án lớn đi vào hoạt động như 32 dự án trong khu công nghiệp, 3 dự án trong cụm công nghiệp và một số dự án ngoài khu, cụm công nghiệp đã hoàn thành đi vào hoạt động như Dự án Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC, Sân Golf Thanh Lanh, Dự án nhà máy Hyunwoo Vina, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt Phúc Yên...
Các dự án lớn đầu tư trực tiếp khởi công trong năm 2021 có Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc, Nhà máy sản xuất thiết bị vệ sinh (Công ty TOTO); Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch ốp, lát cao cấp, gạch COTTO (Công ty HERA); Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch,...
Sản xuất công nghiệp được khẳng định là nền tảng của nền kinh tế. Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; chủ động cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nhiều năm liền chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) luôn nằm trong top đầu của cả nước, được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.
Nhờ vậy đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư và sản xuất ra những sản phẩm chủ lực, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp chủ yếu cho ngân sách và gia tăng xuất khẩu cho tỉnh như Toyota, Honda, Piaggio, Deawoo bus, Tập đoàn Prime, Thép Việt Đức...
6 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chấp thuận chủ trương thành lập 6 KCN, 3 cụm công nghiệp; đã quyết định chủ trương đầu tư 5 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp; dự kiến đến năm 2025 toàn tỉnh có 19 KCN đi vào hoạt động, tổng diện tích quy hoạch khoảng 5.482,85 ha. Quy hoạch đến năm 2030, dự kiến tỉnh có khoảng 27 KCN với tổng quỹ đất quy hoạch khoảng 6.000 ha.
Quá trình phát triển KT-XH đã tạo điều kiện cho Vĩnh Phúc có lợi thế mới về vị trí địa lý, đưa tỉnh trở thành một bộ phận cấu thành của vành đai phát triển du lịch, công nghiệp, dịch vụ của các tỉnh phía Bắc, đặc biệt các tỉnh đồng bằng Sông Hồng.
Đồng thời, sự phát triển các tuyến hành lang giao thông quốc tế (cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Côn Minh-Lào Cai) và các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia đã đưa Vĩnh Phúc xích gần hơn với các trung tâm kinh tế, công nghiệp và những thành phố lớn của quốc gia và quốc tế thuộc hành lang kinh tế Việt Trì - Hà Giang - Trung Quốc, Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Vùng Thủ đô...
Mang tiện ích thiết thực đến người dân
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 36 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Duy trì 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về phổ cập giáo dục và chất lượng học sinh giỏi. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa luôn được chú trọng; thu nhập, đời sống của nhân dân ngày một nâng lên.
Tỉnh công nghiệp phát triển Vĩnh Phúc đang dần hiện hữu (Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên).
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đến hết năm 2021 chỉ còn 0,44%. 100% số Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn được phụng dưỡng. Tỉnh đã xây dựng 1.884 nhà tình nghĩa và sửa chữa, nâng cấp 2.874 nhà tình nghĩa.
Ước đến hết năm 2021 tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 39 giường tăng 30,1 giường/vạn dân so với năm 1997. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân ước năm 2021 đạt 14 bác sĩ/vạn dân, gấp 5,4 lần năm 1997.
Chính sách an sinh xã hội luôn được quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 20 nghìn lao động và chi ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 300 tỷ đồng thực hiện chính sách ASXH cho các đối tượng. Tỷ lệ người dân tham gia BHXH đạt hơn 93,5% ....
Có thể nói, sau 25 năm tái lập tỉnh, với sự nỗ lực phấn đấu, nỗ lực không ngừng của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.
Vĩnh Phúc là địa phương đi trước cả nước trong việc ban hành các cơ chế, chính sách mang tính đột phá về sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Trong phát triển công nghiệp, tỉnh đã xác định đúng hướng, có bước đi phù hợp, đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và trở thành “điểm sáng” của cả nước trong thu hút đầu tư.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật được tập trung đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, dần hình thành một bộ mặt đô thị mới Vĩnh Phúc.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; cơ sở vật chất trường học, bệnh viện, các khu vui chơi, văn hóa thể thao, trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước được đầu tư, cải tạo, nâng cấp khang trang. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, chính trị, xã hội ổn định. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước được củng cố, xây dựng ngày càng vững mạnh; tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân vì sự phát triển của tỉnh.
Thành tựu của tỉnh đã đạt được sau 25 năm qua đã khẳng định và nâng cao vị thế của tỉnh, tạo tiền đề để Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy nhanh sự nghiệp CNH-HĐH trong giai đoạn tiếp theo.