Năm 2023, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, song nhờ phát huy lợi thế, kết hợp các cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã vượt khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò “đầu tàu” trong tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Từ một tỉnh thuần nông vào thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, với tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, Vĩnh Phúc đã vươn mình trở thành tỉnh phát triển, trong đó, ngành công nghiệp đã có bước phát triển tích cực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước và đặc biệt tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Cụ thể, giai đoạn 1997 - 2021, GRDP của tỉnh tăng bình quân 13,44%/năm, trong đó, riêng ngành công nghiệp tăng 21,4%/năm, cao gấp đôi so với tăng trưởng của ngành dịch vụ và cao gấp 4 lần ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đáng nói, năm 2023, trước sự suy thoái kinh tế diện rộng trên nhiều quốc gia, khu vực và trong nước, cộng với độ mở kinh tế cao, quy mô công nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khiến sản lượng sản xuất nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh giảm mạnh so với năm 2022. Thậm chí, ngay trong quý I/2023 sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có mức tăng trưởng âm. Song, nhờ triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kết thúc năm 2023, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng vẫn chiếm 63,75% tổng giá trị tăng thêm của 3 khu vực và cao gấp 3,4 lần so với năm 1997.
Một trong những gam màu sáng phải kể đến công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất thức ăn gia súc với doanh thu tăng lần lượt là 12,69% và 3,86% so với năm trước. Trong đó, ngành sản xuất linh kiện điện tử nổi bật không chỉ ở việc duy trì mức tăng trưởng 2 con số mà nhiều doanh nghiệp đã hoạt động sản xuất ổn định, có doanh thu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Công ty CDL Prescision tăng hơn 50%, Công ty Optrontec Vina tăng 45%, Công ty TNHH Jahwa Vina tăng 26%, Công ty TNHH Vina Union tăng trên 26%, Công ty TNHH Young Poong Electronics Vina tăng hơn 14%... chiếm khoảng 50% tổng giá trị sản xuất toàn ngành, Đây chính là động lực giúp ngành công nghiệp giữ vững vị thế đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Công nghiệp phát triển đã giúp Vĩnh Phúc từ chỗ chỉ có 8 dự án FDI, 1 dự án DDI, 1 khu công nghiệp được thành lập năm 1998 thì đến nay đã tăng lên gần 1.300 dự án đầu tư còn hiệu lực, bao gồm 460 dự án FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư trên 7,9 tỷ USD; gần 840 dự án DDI với tổng vốn đầu tư trên 140.000 tỷ đồng. Riêng năm 2023, toàn tỉnh đã thu hút được hơn 560 triệu USD vốn FDI, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2022, vượt 40% so với kế hoạch năm 2023 đề ra. Thu hút vốn DDI đạt gần 21.000 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2022, vượt hơn 4 lần so với kế hoạch năm 2023 đề ra. Như vậy, chỉ sau 3 năm, tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành nhiệm vụ thu hút đầu tư của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Không phải ngẫu nhiên hay do yếu tố may mắn để tỉnh Vĩnh Phúc đạt được những chỉ số ấn tượng kể trên trong năm 2023. Kết quả có được là do tỉnh đã lường trước những khó khăn, thách thức bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và quốc tế để ngay từ đầu năm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung bám sát các chỉ thị, nghị quyết, công điện của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định hoạt động và phát triển sản xuất.
Minh chứng rõ nét là việc năm 2023 có một chỉ số Vĩnh Phúc đạt được bằng cả 25 năm tái lập tỉnh cộng lại - chủ số diện tích đất công nghiệp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 7 khu công nghiệp mới, bổ sung quy hoạch hơn 1.250 ha đất công nghiệp. Với quỹ đất sạch khổng lồ đã giúp tỉnh đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn liên quan đến sản xuất mô tô, phụ tùng và bộ phận phụ trợ xe ô tô và loạt dự án hứa hẹn thay đổi diện mạo của tỉnh công nghiệp trong tương lai gần.
Điển hình, đầu tháng 12/2023, Dự án Công nghiệp cơ khí Lioho Machine Works Việt Nam đã được nhà đầu tư là liên danh Công ty Lioho Machine Works Ltd và Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 chính thức khởi công xây dựng trên diện tích 5ha thuộc Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc. Đây là một trong những dự án FDI mới nhất được khởi công trên địa bàn tỉnh trong năm 2023. Dự án có tổng vốn đầu tư 75 triệu USD, với mục tiêu sản xuất các sản phẩm phụ tùng ôtô xe gắn máy, linh kiện máy nông nghiệp, linh kiện kim loại của thiết bị mạng Internet, linh kiện kim loại của máy bơm, bán buôn máy móc thiết bị và phụ tùng máy khác. Dự kiến trong năm 2024, dự án sẽ đi vào hoạt động, giai đoạn đầu có công suất khoảng 750.000 sản phẩm mỗi năm, doanh thu khoảng 400 tỷ đồng và tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cùng các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ
dự án Công nghiệp cơ khí Lioho Machine Works Việt Nam
Trước đó, tỉnh cũng đã thu hút thành công dự án trong lĩnh vực lắp ráp động cơ xe máy, ô tô, phương tiện giao thông từ Tập đoàn Polaris (Hoa Kỳ). Đây là tập đoàn nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ. Dự án có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD được xây dựng trên diện tích hơn 12ha, tại Khu công nghiệp Bá Thiện II, huyện Bình Xuyên với mục tiêu sản xuất môtô, xe máy, phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, xe có động cơ khác. Đây là nhà máy thứ 2 của tập đoàn tại Vĩnh Phúc và là nhà máy thứ 20 trên toàn thế giới. Dự kiến khi hoàn thành đi vào hoạt động, dự án sẽ có công suất khoảng 300.000 sản phẩm mỗi năm. Ngoài tiêu thụ nội địa, các sản phẩm sẽ được xuất khẩu sang các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo việc làm cho khoảng 600 lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Một trong những tín hiệu vui là dự kiến trong năm 2024, tỉnh sẽ có thêm 3 khu công nghiệp mới đi vào hoạt động, các dự án FDI đã được tỉnh cấp phép đi vào hoạt động với tổng số vốn đăng ký hơn 5 triệu USD. Theo đó, để khai thác, thúc đẩy vị thế công nghiệp là ngành kinh tế động lực, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh sẽ tiếp tục bám sát tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, gia tăng các chương trình, biện pháp tái cấu trúc, phát triển ngành công nghiệp. Chú trọng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu theo hướng có chọn lọc các lĩnh vực công nghiệp mà tỉnh đang có lợi thế, có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị quốc gia, giá trị toàn cầu.
Về nhiệm vụ cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương; rà soát các cơ chế, chính sách, quy định của tỉnh liên quan tới phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là những quy định về hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công thương để kết nối trao đổi thông tin giữa các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng; thường xuyên tổ chức các hoat động kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giúp các doanh nghiệp có thêm thông tin, thuận lợi trong việc tìm kiếm đối tác, bạn hàng tạo thành các chuỗi sản xuất phân phối hiệu quả.
Đặc biệt, tỉnh sẽ rà soát, xác định rõ lĩnh vực sản xuất công nghiệp đối với các dự án thu hút đầu tư trong quy hoạch để thu hút có chọn lọc, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả thu hút đầu tư, tạo những động lực mới cho phát triển công nghiệp phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tiếp tục giữ vững vai trò là đầu tàu trong phát triển kinh tế của tỉnh.