Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu chuyển đổi số (CĐS), tạo nền tảng, cơ sở cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT) từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Nhằm đạt mục tiêu xây dựng đội ngũ chuyên gia CĐS trong các ngành, lĩnh vực, địa phương trở thành lực lượng nòng cốt dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa CĐS trong toàn tỉnh, năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch nâng cao nhận thức; đào tạo, tập huấn, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về CĐS; hướng dẫn người dân kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng…

Xây dựng mạng lưới CĐS rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở với đội ngũ thành viên thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng trở thành nòng cốt trong thực hiện các mục tiêu CĐS. Toàn tỉnh hiện có 1.240 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 10.000 thành viên tham gia. Trong đó, lực lượng chủ chốt là đoàn viên, thanh niên, hội viên Hội LHPN, Hội Nông dân và 175 cán bộ của Bưu điện tỉnh, Viettel Vĩnh Phúc.

Đến nay, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 3 lớp đào tạo chuyển đổi nhận thức về CĐS cho hơn 600 lượt CB-CC-VC, người lao động; 2 lớp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CĐS cho hơn 400 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các cơ quan, đơn vị, cán bộ làm công tác tham mưu CĐS trong các cơ quan nhà nước; 8 lớp đào tạo, hướng dẫn phổ cập kỹ năng CĐS cho hơn 200 CB-CC-VC, người lao động; 5 lớp đào tạo, hướng dẫn phổ cập kỹ năng CĐS cho hơn 150 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương; 2 lớp đào tạo an toàn thông tin phục vụ CĐS cho hơn 40 cán bộ phụ trách kỹ thuật liên quan đến CĐS tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đã xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành máy tính, CNTT. Mỗi năm, có hơn 800 sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tốt nghiệp chuyên ngành liên quan đến máy tính, CNTT, CĐS.

Hiện nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đều có lãnh đạo phụ trách ứng dụng CNTT và bố trí tối thiểu 1 cán bộ phụ trách kỹ thuật về CNTT, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ tham mưu, vận hành hệ thống CNTT tại đơn vị.

Toàn tỉnh có 108 cán bộ chuyên trách CNTT, trong đó, có gần 80% cán bộ chuyên trách có chuyên môn đúng về CNTT, hơn 20% cán bộ có chuyên môn liên quan đến CNTT. Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh hiện có 7 cán bộ kỹ thuật được đào tạo chuyên ngành CNTT và điện tử viễn thông, có năng lực, trình độ chuyên môn cao.

Trong đó, 2 cán bộ của trung tâm đã được tổ chức quốc tế EC - Council cấp chứng chỉ Certified SOC Analyst - CSA (Chuyên gia phân tích an toàn thông tin) và chứng chỉ Certified Ethical Hacker (Hacker mũ trắng).

Tuy nhiên, theo kết quả rà soát, đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, nguồn nhân lực về CNTT hiện nay vẫn còn thiếu, phân bổ không đều, chủ yếu tập trung ở những đơn vị chuyên trách CNTT của các sở, ngành. Cấp tỉnh, huyện có khoảng hơn 60% cơ quan, đơn vị có cán bộ chuyên trách CNTT, song, số xã, phường, thị trấn có cán bộ chuyên trách CNTT lại chỉ chiếm dưới 10%.

Hơn nữa, từ năm 2009 đến nay, đã có nhiều CB-CC-VC có trình độ chuyên môn về CNTT và viễn thông xin chuyển ngành hoặc sang khu vực doanh nghiệp. Do đó, nguồn nhân lực vốn đã thiếu, theo thời gian lại càng hụt, đặc biệt là thiếu nhân lực CNTT chuyên môn sâu.

Bên cạnh đó, mặc dù các cán bộ chuyên trách CNTT có trình độ đúng về CNTT có thể đảm đương được cơ bản các nhiệm vụ, chức năng theo quy định, song, đối với những nhiệm vụ có tính chuyên môn sâu như vận hành trung tâm dữ liệu theo các tiêu chuẩn CDCP, CDFOM, CDCS; xử lý, khắc phục nhanh những cuộc tấn công mạng; xây dựng chính sách phòng tránh, xử lý sự cố bảo mật trên các nền tảng Windows, MacOS, Linux, Ubuntu, iOS, Android... thì nhân lực tại chỗ hiện nay chưa làm chủ được.

Để giải bài toán nhân lực CNTT, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT, CB-CC-VC; cử cán bộ có năng lực tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu phù hợp với chuẩn trong nước và quốc tế về quản trị mạng, an toàn, bảo mật thông tin; xây dựng chính sách thu hút, hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tăng cường, giữ chân cán bộ có trình độ chuyên môn cao về CNTT, an toàn thông tin phục vụ CĐS của tỉnh; quy định về chức danh, tiêu chuẩn đối với cán bộ chuyên trách về CNTT, an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước…

Nguồn: baovinhphuc.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 638.269
      Online: 21