Chiều 21/2, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Thị Thuý Lan, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII đã tổ chức Hội nghị lần thứ 17 đóng góp ý kiến hoàn thiện đồ án Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cho ý kiến vào quy hoạch, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh, đơn vị tư vấn nghiên cứu, xác định rõ các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp, vùng trọng tâm phát triển nông nghiệp; định hướng phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại; các ý tưởng mới để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, tạo ra những sản phẩm du lịch mới; quan tâm phát triển lĩnh vực dịch vụ; bổ sung căn cứ, danh mục, thứ tự các dự án ưu tiên thu hút đầu tư; các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết 30 của Bộ chính trị. 

Một số đại biểu đề nghị bổ sung quan điểm xuyên suốt của tỉnh: mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả của sự phát triển vào quan điểm, mục tiêu của quy hoạch; xác định rõ vai trò của Vĩnh Phúc trong vùng và cả nước; xác định chiến lược của tỉnh phải phù hợp với chiến lược quốc gia.

Kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thuý Lan ghi nhận nỗ lực của UBND tỉnh, các đơn vị liên quan trong việc xây dựng đồ án Quy hoạch tỉnh để trình xin ý kiến BCH Đảng bộ tỉnh. Trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ gợi mở một số nội dung để tiếp tục hoàn thiện đồ án, nhất là về quan điểm và mục tiêu phát triển của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ lưu ý trong đồ án quy hoạch cần xác định các mục tiêu cụ thể cho phù hợp nhưng phải cao hơn vùng đồng bằng sông Hồng, có sự cân đối, so sánh với các địa phương có cùng trình độ phát triển; bổ sung các chỉ tiêu còn thiếu như: xây dựng nông thôn mới, đóng góp kinh tế số, tỷ lệ giảm lượng phát thải khí nhà kính.

Về phương hướng phát triển một số ngành kinh tế quan trọng, cần tập trung vào các nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo với trọng tâm là ô tô, xe máy, công nghiệp phụ trợ; các chuỗi cung ứng điện, điện tử, công nghệ cao; công nghiệp dược phẩm, vật liệu mới và công nghiệp phần mềm. 

Về du lịch, dịch vụ thương mại, cần tập trung vào các nhóm ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, các dịch vụ đem lại từ kinh tế đô thị; đầu mối cung cấp hàng hóa bán buôn, bán lẻ; dịch vụ logistic. Bên cạnh đó, tập trung phát triển làng nghề truyền thống thương mại điện tử gắn liền với phát triển kinh tế số; hình thành mạng lưới liên kết các trọng điểm du lịch.

Về phương án phân vùng và tổ chức không gian phát triển, cần khẩn trương đề xuất phương án quy hoạch đơn vị hành chính có tính khả thi trong quy hoạch tỉnh, đảm bảo không bị xáo trộn, tập trung xin ý kiến của Bộ Nội vụ về quy mô dân số, tính toán quy mô dân số phù hợp và có các giải pháp để phát triển dân số. Xem xét giữ nguyên 3 cực tăng trưởng chính: Vĩnh Yên, Bình Xuyên, Phúc Yên để tập trung nguồn lực, là đầu tàu dẫn dắt các địa phương khác cùng phát triển.

Về phát triển hệ thống đô thị, tỷ lệ đô thị hóa phải đảm bảo tối thiểu 65 % tương đương với mức trong quy hoạch vùng Thủ đô đã được duyệt. Về phát triển nông thôn cần bám sát và cập nhật các định hướng về xây dựng nông thôn mới và xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu làm nổi bật các yếu tố của nông thôn. Bên cạnh đó, làm rõ hơn mô hình phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tạo ra sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh với các địa phương lân cận, giảm số lượng và diện tích dành cho cụm công nghiệp để ưu tiên cho quỹ đất phát triển khu công nghiệp.

Về phương án phát triển hạ tầng xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, cần cập nhật các nội dung, các chỉ tiêu, mục tiêu trong Nghị quyết của Tỉnh ủy về lĩnh vực này.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ giao cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch, tiếp tục tìm ra các định hướng, nhân tố mới để tạo ra động lực cho phát triển có tính bứt phá hơn, làm cho quy hoạch có tính khả thi hơn, tập trung nhân lực để tổ chức rà soát quy hoạch, đảm bảo tính kế thừa các quy hoạch đã có, phát hiện các nội dung còn mâu thuẫn, chưa thống nhất hoàn thành việc đánh giá tác động môi trường chiến lược để phát hiện các điểm mâu thuẫn, xung đột trong bố trí không gian phát triển; chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện quy hoạch, trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Nguồn:vinhphuctv.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 658.088
      Online: 46