Sáng 11/5, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh và đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh tham gia phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Phiên họp do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì tại điểm cầu trụ sở Chính phủ.
Cùng dự tại điểm cầu UBND tỉnh có đồng chí Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên; đồng chí Bùi Thị Thu Hằng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh; lãnh đạo một số ban, sở, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong; Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông và các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Vĩnh Phúc.
Đến nay các cơ quan Trung ương và địa phương đã hoàn thành 18/27 nhiệm vụ, đang triển khai 9/27 nhiệm vụ về triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát. Từ khi phát động đến nay, cả nước đã xóa được gần 209.000 nhà, trong đó khánh thành và bàn giao 111.000 nhà; khởi công 98.000 nhà, đạt khoảng 77% trên tổng số nhu cầu. Riêng từ phiên họp thứ ba đến nay, đã tăng gần 87.000 nhà được khởi công, khánh thành, bình quân tăng 26 nhà/địa phương/ngày. Từ nay đến ngày 31/10/2025 cả nước còn khoảng 61.800 nhà tạm, nhà dột nát cần hoàn thành, Bình quân mỗi ngày phải hoàn thành khoảng 364 căn trên cả nước; bình quân mỗi địa phương phải hoàn thành 8 căn/ngày.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước cho nhân dân là công việc rất nhân văn, ý nghĩa, được triển khai rất tích cực với tinh thần, phương châm chỉ đạo "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít" và yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, đúng trọng tâm, trọng điểm hơn để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chương trình đã đề ra theo phương châm 6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền; tập trung huy động sức dân, đa dạng hóa nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát, đặc biệt là đối với thân nhân gia đình liệt sĩ trước ngày 27/7 và người có công trước ngày 2/9/2025. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội; lực lượng quân đội, công an tích cực vào cuộc, huy động lực lượng tại chỗ để hỗ trợ xây dựng nhà tạm, nhà dột nát. Bên cạnh đó, tăng cường phân cấp, phân quyền; phát huy vai trò người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, bám sát tình hình, chủ động linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện và tháo gỡ, xử lý khó khăn vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Các bộ ngành liên quan phối hợp với các địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Các cơ quan báo chí tích cực vào cuộc tuyên truyền, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, tạo sự đồng thuận trong triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Phát biểu chỉ đạo sau phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, huyện, thành phố trong tỉnh quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước tại phiên họp, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện; quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình có công, hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh trước ngày 30/6/2025, trước khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong giao Sở Tài Chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các huyện, thành phố để cụ thể hóa những chỉ đạo của Trung ương, các bộ ngành liên quan đến nguồn kinh phí, cơ chế hỗ trợ, thủ tục đất đai để hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, người có công.
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phát biểu, cam kết với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn theo đúng tiến độ đề ra.