Sáng 08/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và năm 2026. Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ban, ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Nghị quyết số 66 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh đặt mục tiêu năm 2025 cắt giảm 30% điều kiện, 30% thời gian và 30% chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh; 100% thủ tục liên quan đến doanh nghiệp phải trực tuyến, thông suốt, minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; 100% thủ tục thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính; 100% thủ tục nội bộ trong từng cơ quan và giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được rà soát, cắt giảm phù hợp với tinh gọn, sắp xếp bộ máy, bảo đảm thông suốt, hiệu quả. Đến năm 2026 cắt giảm, đơn giản 100% điều kiện không cần thiết, mâu thuẫn, chồng chéo, chung chung, không cụ thể, không rõ ràng; cắt giảm 50% thời gian giải quyết, 50% chi phí tuân thủ so với năm 2024. Đồng thời, rà soát, công bố, cắt giảm và đơn giản hóa 100% thủ tục hành chính quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng; 100% báo cáo của doanh nghiệp được thực hiện trên môi trường điện tử; 100% thủ tục hành chính nội bộ trong từng cơ quan hành chính Nhà nước được quản trị nội bộ trên môi trường điện tử; 100% thông tin, giấy tờ, tài liệu trong thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh chỉ phải nộp 1 lần...
Triển khai thực hiện Nghị quyết này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 96, Công văn số 3050 yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện thành phố rà soát, thống kê danh mục thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện các nhiệm vụ với các giải pháp, mốc thời hạn cụ thể để đạt được các mục tiêu đề ra.
Theo thống kê của UBND tỉnh, đến tháng 4/2025, tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện 1.779 thủ tục hành chính, trong đó, cấp tỉnh 1.330 thủ tục; cấp huyện 304 thủ tục và cấp xã 145 thủ tục. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt 87,46%, trong đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 52,1%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến một phần đạt 35,2%.
Về kết quả tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính trong tháng 4/2025, cấp tỉnh đã tiếp nhận 44.599 hồ sơ, trong đó đã giải quyết trước và đúng hạn 25.562 hồ sơ, đạt 77,82%; hồ sơ chậm hạn và quá hạn là 6.027 hồ sơ, chiếm 18,35%. Cũng trong tháng 4/2025, có 11 cơ quan, đơn vị phát sinh hồ sơ nộp trực tuyến, với 9.660 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến toàn trình và một phần trung bình chỉ đạt 45,39%.
Đối với cấp huyện và cấp xã, trong tháng 4/2025 đã tiếp nhận 24.369 hồ sơ, trong đó, hồ sơ trả trước và đúng hạn đạt 94,1%; hồ sơ chậm hạn và quá hạn giải quyết nhưng chưa có kết quả chiếm 1,5%. Trong tháng, cả 9/9 huyện, thành phố phát sinh hồ sơ nộp trực tuyến, với tổng số 19.784 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến bình quân đạt 86,64%.
Như vậy, so với mục tiêu Nghị quyết số 66 của Chính phủ thì tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình và một phần của tỉnh vẫn thấp. Do vậy, Vĩnh Phúc cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong công tác số hóa, nâng cấp phần mềm quản lý, điều hành...
Với quan điểm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, động lực, mục tiêu của sự phát triển; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp” và bảo đảm theo nguyên tắc 5 rõ “Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm”, năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung rà soát và thực hiện ngay việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết theo thẩm quyền. Chủ động cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, bảo đảm minh bạch, giảm tối đa giầy tờ. 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh. Cùng với đó, hoàn thiện việc thực thi 100% phương án về phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung triển khai thực hiện 7 nhóm giải pháp, trong đó, trọng tâm là các sở, ban, ngành rà soát, thống kê danh mục thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; các thủ tục có khả năng, điều kiện thực hiện cắt giảm; các giải pháp để 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả; xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử bảo đảm tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi tỉnh...
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương báo cáo, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực liên quan đến đất đai, cấp phép... Đồng thời, đề xuất một số giải pháp về giải chi phí giải quyết thủ tục hành chính; các thủ tục hành chính có thể cắt giảm...
Đánh giá cao nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất danh mục các thủ tục hành chính có thể cắt giảm, quy trình giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm đạt mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết theo thẩm quyền, 30% về thời gian và 30% về chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, quán triệt sâu sắc ý nghĩa, mục tiêu của Nghị quyết số 66 của Chính phủ là nhằm kiến tạo, xây dựng chính quyền vì người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, động lực, mục tiêu phát triển. Chủ động xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử thủ tục hành chính, bảo đảm tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các bộ phận tiếp nhận, trả kết quả theo cơ chế một cửa trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 96 ngày 15/4/2025 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 66 của Chính phủ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.