Sáng 26/4, Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt họp phiên thứ 2 theo hình thức trực tuyến kết nối với 9 tỉnh, thành phố có các dự án đường sắt trên địa bàn để thảo luận, thống nhất các nội dung về thể chế, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống đường sắt. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo.
Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, từ tháng 11/2024 đến nay, Quốc hội đã ban hành 3 Nghị quyết để triển khai các dự án đường sắt gồm: Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 15/3/2025 thành lập Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt và Quyết định số 24/QĐ-BCĐĐSQG ngày 17/3/2025 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 172/2024/QH15, có tổng chiều dài 1.541 km từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, với tốc độ thiết kế 350 km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 1.713.548 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ 2025 - 2035. Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tổng chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km, tuyến nhánh 27,9 km; tổng mức đầu tư 8,369 tỷ USD; giai đoạn 1 đầu tư đường đơn, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô đường đôi; thời gian thực hiện từ 2025 - 2030. Tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc; tổng chiều dài khoảng 156 km. Tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái kết nối thành phố Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh và kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc có tổng chiều dài tuyến khoảng 187 km. Riêng đối với thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì theo Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội, 2 thành phố này dự kiến sẽ xây dựng lần lượt 15 tuyến và 10 tuyến đường sắt đô thị.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, theo báo cáo của Sở Xây dựng, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đoạn đi qua Vĩnh Phúc được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 187, ngày 19/2/2025 có tổng diện tích đất cần thu hồi khoảng 211,4 ha, tổng kinh phí để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gần 5.790 tỷ đồng; trong đó có 569 hộ thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng ở thành phố Phúc Yên và các huyện: Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Bình Xuyên.
Thực hiện các nhiệm vụ được giao, tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, chuẩn bị các điều kiện tổ chức giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư. Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý Dự án đường sắt, Bộ Xây dựng và các đơn vị tư vấn, các địa phương rà soát, xây dựng hướng tuyến đoạn qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã có Văn bản số 1194, ngày 9/4/2025 về đề nghị Bộ Xây dựng và Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh hướng tuyến theo phương án đi về phía Nam, với tổng chiều dài 39,5km, giảm khoảng 2km và giảm khoảng 832 tỷ đồng chi phí xây dựng; giảm trên 2.000 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng và giảm khoảng 187 hộ tái định cư so với phương án đã được Quốc hội Quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 187. Tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt hướng tuyến đoạn đi qua tỉnh Vĩnh Phúc; xem xét các giải pháp kỹ thuật đầu tư xây dựng, nhất là tại khu vực đi qua khu dân cư, cảng cạn.
Thảo luận tại phiên họp, lãnh đạo các tỉnh, thành phố có các dự án đường sắt đi qua đã báo cáo rõ tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó, nổi bật là các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo; phối hợp với Bộ Xây dựng để xác định hướng tuyến, các tuyến nhánh của các dự án đường sắt đi quan địa phương; rà soát, lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng; công tác tái định cư... Lãnh đạo các địa phương đề nghị Cục đường sắt Việt Nam, Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt các dự án; tăng cường tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án, nhất là cho phép các địa phương chỉ định thầu các dự án tái định cư.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đầu tư phát triển đường sắt cần nguồn ngân sách lớn nhưng hiệu quả kinh tế cao, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Do vậy, căn cứ vào 24 nhiệm vụ cụ thể Thủ tướng Chính phủ đã giao tại phiên họp thứ I, từng bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho đầu tư phát triển hệ thống đường sắt. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là hoàn thiện thể chế; tìm ra được các giải pháp trong đầu tư phát triển nguồn nhân lực; việc chuyển giao công nghệ và việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống đường sắt. Cùng với đó, tập trung triển khai các dự án trọng điểm, sớm hoàn thiện hồ sơ các dự án đường sắt lớn, tạo sự kết nối, liên thông; rà soát các khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đầu tư. Tăng cường ứng dụng công nghệ, các tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các công trình, dự án thuộc lĩnh vực đường sắt.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị phải "thần tốc, thần tốc hơn nữa; tạo bạo, táo bạo hơn nữa", phát huy tinh thần trách nhiệm, phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền", "nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn", rà soát các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo giao tại phiên họp thứ nhất; đồng thời, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng.