Sáng 24/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị phát triển nguồn nhân lực tỉnh và Hội chợ việc làm năm 2025. Dự hội nghị có đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; các nhà đầu tư, chuyên gia và hơn 400 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Dự hội nghị về phía Bộ Nội vụ có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Văn Thanh; đại diện lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ Nội vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu tại Tọa đàm, đối thoại, giải đáp khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp,
học sinh, sinh viên, người lao động trong công tác tuyển dụng, sử dụng lao động và đào tạo nghề
Đánh giá tình hình lao động - việc làm và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh cho thấy, năm 2024, toàn tỉnh có hơn 8.500 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng trên 250.400 lao động làm việc tại doanh nghiệp. Ước quý I năm 2025 có khoảng 8.590 doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng 251.000 lao động. Trong đó có 10.463 lao động làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy; 67.900 lao động làm việc trong các doanh nghiệp điện tử; 54.000 lao động làm việc trong doanh nghiệp dệt may, da giày. Thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp ước gần 11 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 23.083 lao động; ước quý I/2025, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 6.423 lao động với 6.241 lao động trong nước và 182 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chất lượng lao động từng bước được nâng lên; năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 81%.
Năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; toàn tỉnh đào tạo được gần 28.000 người; quy mô tuyển sinh năm 2025 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 41.020 người. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2025, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển dụng gần 22.000 người và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo cũng như nhân lực kỹ thuật cao sẽ ngày càng tăng.
Để phát triển nhân lực phục vụ công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các nhà đầu tư, người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh, Vĩnh Phúc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện pháp luật liên quan đến doanh nghiệp; thực hiện giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực lao động, dạy nghề bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp trong quản lý doanh nghiệp; nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để góp phần thu hút, giữ chân lao động như chính sách nhà ở, xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa, hỗ trợ đi lại phù hợp thực tiễn. Cùng với đó, tăng cường tạo nguồn, cung ứng lao động cho doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ người lao động về pháp lý, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về quy định của pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội... Kịp thời triển khai các chính sách về lao động, việc làm của Trung ương, của tỉnh nhằm thu hút và giữ chân người lao động, nhà đầu tư, các chuyên gia, lao động có trình độ cao phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông cùng các đại biểu tham quan Hội chợ việc làm
Tại hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo nghề và cung ứng lao động. Tập trung vào công tác chăm lo phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp; thuận lợi và khó khăn trong công tác kết nối giữa doanh nghiệp và đơn vị cung ứng lao động; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kết nối giữa doanh nghiệp và đơn vị cung ứng lao động; tăng cường liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo, tuyển dụng lao động; nâng cao hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh trong tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp; giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong bối cảnh hiện nay...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh: Hội nghị phát triển nguồn nhân lực tỉnh và Hội chợ việc làm năm 2025 sẽ tạo tiền đề cho việc xây dựng, hình thành và phát triển cơ chế hợp tác một cách chặt chẽ, bền vững và hiệu quả giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong công tác đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là dịp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; từ đó, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách và các giải pháp phù hợp trong công tác kết nối cung - cầu lao động.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh xây dựng chỉ thị về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; phối hợp thực hiện tốt công tác thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp; công tác quản lý Nhà nước đối với các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm, cho thuê lại lao động trên địa bàn tỉnh; làm tốt công tác quản lý lao động. Chủ động phối hợp rà soát, đánh giá, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh đề xuất ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo việc làm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; kịp thời triển khai các chính sách về lao động, việc làm của Trung ương, của tỉnh, nhằm thu hút và giữ chân người lao động, nhà đầu tư, các chuyên gia, lao động có trình độ cao phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động kết nối với các doanh nghiệp thực hiện các chương trình hợp tác đào tạo, đào tạo lại lao động; thực hiện các chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong việc liên kết đào tạo theo quy định của pháp luật, cơ chế chính sách của tỉnh; thường xuyên giữ mối liên hệ với các doanh nghiệp để phối hợp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Đối với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, đồng chí đề nghị cần phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ, kết nối cung cầu lao động; xây dựng khu nhà ở cho công nhân, các cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn giúp người lao động ổn định cuộc sống, gắn bó với doanh nghiệp; tăng cường giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật và theo các thỏa thuận trong thỏa ước lao động tập thể... Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cũng cần chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong giới thiệu, đào tạo và cung ứng lao động phù hợp với nhu cầu, nội dung và thời gian. Các doanh nghiệp có kế hoạch, định hướng dài hạn về công tác tuyển chọn, sử dụng lao động, để chủ động tạo nguồn lao động cho phát triển cũng như tăng cường gắn kết, hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đơn vị cung ứng lao động. Đồng thời, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ để thu hút, giữ chân lao động trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh hiện nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông và các đại biểu chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ, hợp đồng về đào tạo nghề,
cung ứng lao động giữa các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực với doanh nghiệp và người lao động được tổ chức như: Tọa đàm, đối thoại, giải đáp khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, học sinh, sinh viên, người lao động trong công tác tuyển dụng, sử dụng lao động và đào tạo nghề; ký kết Biên bản ghi nhớ, hợp đồng về đào tạo nghề, cung ứng lao động giữa các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Hội chợ việc làm triển khai hoạt động tư vấn, cung ứng lao động, đào tạo nghề cho các doanh nghiệp, đơn vị và học sinh, sinh viên, người lao động.