Đây là chủ đề của Diễn đàn do UBND tỉnh phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tổ chức sáng 23/4.

Dự Diễn đàn có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phùng Thị Kim Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các chuyên gia, lãnh đạo các sở, ban, ngành; các doanh nghiệp phát triển công nghệ số trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong; Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thị Kim Nga dự Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh: Từ khi tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc luôn là một trong những địa phương năng động, đổi mới, sáng tạo, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế số. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động tập trung vào 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Để kinh tế số thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung xây dựng nền tảng dữ liệu số đồng bộ, an toàn và thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã, kết nối với hệ thống quốc gia. Đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên công nghệ cao, logistics hiện đại và các chuỗi giá trị toàn cầu, hướng đến xuất khẩu số và dịch vụ giá trị gia tăng; phát triển hạ tầng số hiện đại, đặc biệt là hạ tầng viễn thông, nền tảng điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu địa phương; đẩy mạnh đào tạo và thu hút nguồn nhân lực số – kỹ sư công nghệ, chuyên gia dữ liệu, kỹ thuật viên AI… thông qua hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu khai mạc Diễn đàn

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông mong muốn tại Diễn đàn sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực về giải pháp cụ thể, các đề xuất hợp tác chiến lược để tỉnh Vĩnh Phúc định hình được mô hình kinh tế số phù hợp với điều kiện địa phương, phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. “Tỉnh Vĩnh Phúc cam kết sẽ tạo môi trường đầu tư minh bạch, thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số, phát triển hạ tầng công nghệ và logistics; sẵn sàng kết nối, hợp tác sâu rộng với các địa phương, tổ chức quốc tế, các tập đoàn công nghệ uy tín trong và ngoài nước” - Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông khẳng định.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã tập trung thảo luận về các giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng chuỗi cung ứng, từ sản xuất, vận chuyển đến tiêu dùng thông minh; đề xuất cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào hệ sinh thái kinh tế số; các điều kiện để các startup công nghệ tiếp cận với nguồn lực hỗ trợ từ địa phương và quốc tế; việc kết nối giữa doanh nghiệp công nghệ và chính quyền địa phương nhằm cùng phát triển mô hình kinh tế số phù hợp với đặc thù của tỉnh.

Tiếp đó, tại phiên tọa đàm với chủ đề “Đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế số bền vững”, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã chia sẻ các mô hình, ý tưởng, giải pháp đổi mới sáng tạo tiêu biểu, từ đó thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo trong quá trình xây dựng, phát triển nền kinh tế số theo hướng bền vững, toàn diện. Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo khung pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực kinh tế số, góp phần hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và địa phương.

Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở công nghệ mà là sự thay đổi toàn diện trong tư duy phát triển và vận hành. Trong những năm qua, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã khẳng định rõ vai trò kết nối giữa chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Dassault Systèmes để cùng xây dựng một mô hình đổi mới sáng tạo bền vững, bắt đầu từ những địa phương có tiềm năng như Vĩnh Phúc.

Còn theo ông Ding Ming Chee, Tổng Giám đốc Phát triển kinh doanh khu vực Nam Á - Thái Bình Dương của Dassault Systèmes cho rằng, Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp và sản xuất. Dassault Systèmes cam kết đồng hành để cùng các địa phương như Vĩnh Phúc xây dựng năng lực nội tại mạnh mẽ, phát triển nền công nghiệp tích hợp số hóa, bền vững và kết nối với mạng lưới toàn cầu thông qua công nghệ bản sao số (Virtual Twin). Đặc biệt nền tảng số có thể biến đổi chuỗi cung ứng sản xuất tại Việt Nam thành đòn bẩy chiến lược cho phát triển công nghiệp quốc gia.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong; Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thị Kim Nga
chứng kiến Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp

Cũng tại Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Công ty cổ phần Công nghệ chế tạo Kami; Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo Vĩnh Phúc; Công ty TNHH Dịch vụ và Môi trường Trọng Hiếu; Công ty cổ phần CNCTech; Công ty cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc; Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghiệp Vĩnh Phúc. Đây là hoạt động có ý nghĩa chiến lược, đặt nền móng cho quá trình hợp tác cụ thể, lâu dài về pháp lý, kỹ thuật và các hoạt động phát triển kinh tế số địa phương gắn với chuỗi cung ứng công nghệ cao. Đồng thời, các bên thể hiện cam kết chung tay thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, xây dựng hạ tầng số, nâng cao năng lực công nghệ. Tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định vai trò tiên phong, đồng hành cùng cả nước trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

 

 


 

Nguồn:vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 1.264.662
      Online: 20