Sáng 19/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025. Dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội) có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành; lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, nhà khoa học.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc có các đồng chí: Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc

Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra, có tác động gia tăng niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội.

Trong năm học, ngành Giáo dục đã nỗ lực triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, góp phần đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045. Mạng lưới, quy mô trường, lớp các cơ sở giáo dục; công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới được triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước, chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được khẳng định; kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế và các Kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực tiếp tục đạt kết quả cao. Đặc biệt, ngành Giáo dục đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, với hơn 1 triệu thí sinh dự thi, tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc đạt khoảng 99,4%; thực hiện chuyển đổi số trong toàn hệ thống và ở tất cả các khâu tuyển sinh, góp phần giảm chi phí cho toàn xã hội.

Trong năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung hơn 27.800 biên chế giáo viên. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ nhà giáo, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay.

Năm học 2024 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định chủ đề là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng” nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giáo dục và đào tạo được chỉ ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tiến tới Đại hội Đảng các cấp. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả các cấp học, từ lớp 1 đến lớp 12; tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tham luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương đã phân tích, làm rõ những kết quả đạt được và những bất cập, hạn chế trong công tác tổ chức năm 2023 - 2024. Đồng thời, đề xuất các giải pháp tổ chức năm học 2024 - 2025; giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, cơ quan liên quan nhiều vấn đề nhằm tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả trong phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Biểu dương, đánh giá cao những kết quả ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước đạt được trong năm học 2023 - 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là “Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội”. Đồng thời, chỉ rõ những bất cập của ngành Giáo dục hiện nay liên quan đến sách giáo khoa; công tác quản lý, tình trạng thiếu giáo viên, thiếu phòng học, nhất là phòng học chức năng tại nhiều địa phương; việc thu hút và các chính sách đãi ngộ giáo viên…

Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm học 2024 - 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đổi phương pháp quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Rà soát lại các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về giáo dục và đào tạo, từ đó có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt.

Cùng với đó, chuẩn bị chu đáo các điều kiện chuẩn bị cho năm học mới; tổ chức tốt lễ khai giảng năm học 2024 - 2025, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên. Tập trung xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Kết luận số 91 của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trình Chính phủ ban hành trong quý III/2024. Tiếp tục rà soát, kịp thời đề xuất các giải pháp về đổi mới cơ chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo. Tập trung xây dựng Luật Nhà giáo trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới. Tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện Chương trình sách giáo khoa, Chương trình Giáo dục phổ thông. Chuẩn bị kỹ các điều kiện để tổ chức thành công Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả các cấp học, từ lớp 1 đến lớp 12 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; triển khai thực hiện tốt các chương trình giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục các ngành phục vụ cho công nghiệp điện tử, bán dẫn, tạo động lực tăng trưởng mới cho kinh tế của đất nước. Tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư, thực hiện tốt lộ trình về giá phù hợp với cơ chế thị trường và điều kiện, hoàn cảnh của đất nước. Xây dựng, rà soát chế độ đãi ngộ đối với giáo viên; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ tại các cơ sở giáo dục, nhất là bậc mầm non. Các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch về đất đai dành cho phát triển giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu trường lớp, dịch chuyển dân số, dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông thôn ra thành thị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng mong muốn ngay từ năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt phương châm “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể; thầy cô giáo làm động lực; nhà trường làm bệ đỡ, gia đình là điểm tựa và xã hội là nền tảng”.

Phát biểu sau hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đánh giá cao kết quả ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà đạt được trong năm học qua và nhấn mạnh, Vĩnh Phúc là địa phương có truyền thống hiếu học, với nhiều kết quả nổi bật như chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn tiếp tục được nâng lên; năm học 2024 là năm thứ hai liên tiếp tỉnh xếp thứ nhất toàn quốc về điểm trung bình chung các môn thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học. Rà soát, nghiên cứu lại định hướng phân luồng giáo dục phổ thông, nhất là mục tiêu, tiêu chí cho phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và đất nước.

Nguồn:vinhphuc.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 1.100.036
      Online: 23