Chiều 14/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm tỉnh Vĩnh Phúc
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, Chỉ thị đã thực sự đi vào cuộc sống, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn ngân lực, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, chăm lo các đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.
Trong 10 năm qua, cả nước đã huy động được 238.338 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến nay đạt 373.010 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị; bình quân tăng trưởng nguồn vốn hằng năm đạt 10,8%. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ trên 21 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 733.152 tỷ đồng, đáp ứng mục tiêu mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, góp phần mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi, giúp bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Chính sách tín dụng còn góp phần giải quyết nhu cầu thiết yếu trong đời sống với việc hỗ trợ các hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi để xây dựng, sửa chữa nhà ở, mua, thuê nhà ở xã hội, xây dựng nhà phòng chống lụt bão, xây dựng công trình cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh quy mô gia đình, trang trải học phí cho học sinh, sinh viên… Tổng doanh số cho vay các chương trình trên đạt hơn 152.500 tỷ đồng, chiếm 20,8% tổng doanh số cho vay, với hơn 7,6 triệu lượt khách hành được vay vốn. Đặc biệt, việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm: Giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 giảm từ 9,88% xuống còn 2,23%, đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm còn 2,93%, góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến 30/6/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 4.545 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cuối năm 2014; dư nợ cho vay đạt 4.533 tỷ đồng, tăng 2.718 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Từ nguồn vốn chính sách, 10 năm qua, cả tỉnh có 253.849 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, với tổng số tiền trên 9.000 tỷ đồng. Đặc biệt, nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, toàn tỉnh có 28.320 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; gần 62.280 lao động có việc làm ổn định; 160 người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; 3.440 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường; gần 730 học sinh, sinh viên có tiền mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Cùng với đó, có 65 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19 được vay vốn khắc phục khó khăn; hơn 261 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được xây nhà ở mới; 594 hộ thu nhập thấp được mua nhà; hơn 250.930 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng, góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư, giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Nguồn vốn đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến hết năm 2023 xuống còn 2.094 hộ nghèo, chiếm 0,61%/tổng số hộ; 4.778 hộ cận nghèo, chiếm 1,38%/tổng số hộ.
Đánh giá cao kết quả đạt được 10 năm qua trong thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục xác định tín dụng chính sách là các giải pháp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và sự phát triển của quốc gia, bảo đảm công bằng, an sinh xã hội. Vì vậy, cần tăng cường quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả hơn chính sách tín dụng; đổi mới nâng cao chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới cũng như thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội.
Cho rằng thực tế mô hình tín dụng chính sách xã hội đã chứng minh đang phù hợp với điều kiện Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, tập trung thực hiện hiệu quả hoạt động ủy thác, tổ tiết kiệm vay vốn, các tổ chức tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở. Đồng chí cũng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, tập trung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội; cân đối cấp đủ vốn điều lệ, vốn chính sách tín dụng, bảo đảm vốn đầu tư công trung hạn hằng năm; tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp cận nguồn vốn ODA, mở rộng các nguồn vốn tín dụng, nâng mức cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung chính sách tín dụng với phát triển kinh tế nhằm phát triển ổn định, lâu dài, bền vững tín dụng chính sách xã hội.
Đối với các địa phương, đồng chí yêu cầu tiếp tục quan tâm cân đối nguồn vốn ủy thác cho vay giải quyết việc làm, nhà ở xã hội; tập trung ưu tiên nguồn vốn đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa; thực hiện cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đối số trong thực hiện nhiệm vụ, tích cực góp phần vào công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.