Nỗ lực, quyết tâm xây dựng và hoàn thiện chính quyền số, hướng đến chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã và đang tập trung, tích cực đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quá trình thực hiện cải cách hành chính (CCHC), đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển KT - XH, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Nghị quyết số 52/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đã khẳng định: “Nội dung cốt lõi của chính sách là chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số...”.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

 

Tại Vĩnh Phúc, với mục tiêu phát triển nhanh, phát triển bền vững dựa trên trụ cột khoa học công nghệ, tỉnh đã chủ động chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp cận, nắm bắt, triển khai những thành tựu của công nghệ và đưa vào thực tiễn quá trình CCHC.

Củng cố, xây dựng, hoàn thiện hạ tầng số, phát triển các nền tảng số, hình thành các cơ sở dữ liệu, kho dữ liệu số có khả năng chia sẻ, tích hợp dựa trên những công nghệ hiện đại trong điều kiện bảo đảm tuyệt đối an toàn dữ liệu, an ninh thông tin. Qua đó, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tạo lập môi trường pháp lý, là tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.

Nổi bật như Nghị quyết số 39 của HĐND tỉnh thông qua "Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021 - 2025"; Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc"...

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai xây dựng, phát triển các nền tảng, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan nhà nước.

Đến nay, tùy theo quy mô, mức độ và chất lượng khác nhau, 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối Internet băng thông rộng cố định; đã triển khai phần mềm quản lý văn bản tập trung cho 183 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh và kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia; đáp ứng quy trình gửi, nhận văn bản điện tử.

Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử ký số bình quân tại các cơ quan hành chính Nhà nước trong toàn tỉnh đạt trên 99%.

Từ năm 2022, hệ thống Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và các cổng thành phần được nâng cấp và đưa vào vận hành chính thức, phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần đẩy mạnh minh bạch và tiếp cận thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân với các cơ quan Nhà nước.

Từ tháng 1/2022 đến nay, tỉnh triển khai hiệu quả hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính sử dụng giải pháp của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, triển khai tập trung, hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, tiếp nhận, giải quyết, theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã.

Thực hiện Quyết định số 06 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), sau 2 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, đã đạt nhiều kết quả tích cực, đáp ứng phục vụ phát triển KT - XH, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát triển công dân số, nâng cao kỹ năng, nhận thức của người dân về chuyển đổi số.

Từ tháng 12/2022, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác giải quyết thủ tục cho tổ chức, công dân thuận lợi, chính xác.

Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và mang lại những hiệu quả thiết thực; kỹ năng và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao; người dân, doanh nghiệp bước đầu được hướng dẫn, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, khai thác thông tin qua các kênh truyền thông.

Qua đó tạo thuận lợi cho tổ chức và người dân trong thực hiện giao dịch hành chính với cơ quan Nhà nước.

Những kết quả đạt được của quá trình xây dựng chính quyền điện tử và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân đã và đang đặt nền móng vững chắc cho chuyển đổi số và phát triển chính quyền số trên địa bàn tỉnh.

Ngành ngành, nhà nhà, người người đã sẵn sàng chuyển đổi từ nhận thức, tư duy đến hành động trong tiến trình chuyển đổi số.

Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao vị thế và nâng hạng nhiều chỉ số quan trọng của tỉnh, như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS)...

Nguồn: baovinhphuc.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 1.097.851
      Online: 43