Thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột chính: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số triển khai các dự án đầu tư hạ tầng số, nâng cao khả năng tổng hợp, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu, phân tích, xử lý thông tin bằng công nghệ số, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Mobifone Vĩnh Phúc đầu tư hạ tầng số, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp
Xác định chuyển đổi số bắt đầu từ tư duy và nhận thức, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số.
9 tháng năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức khóa đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số cho 220 cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác tham mưu chuyển đổi số của các sở, ngành, địa phương; 33 lớp đào tạo cho 2.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức về kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số; phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) đào tạo chuyển đổi số trực tuyến trên nền tảng OneTouch cho khoảng 10.000 người.
Ngoài ra, công cụ tuyên truyền về chuyển đổi số của tỉnh còn thông qua các kênh như Website Chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc; chuyên mục Chuyển đổi số của Báo Vĩnh Phúc; chuyên trang Chuyển đổi số của Cổng Thông tin ‑ Giao tiếp điện tử tỉnh…
Tỉnh đặc biệt quan tâm đến phát triển hạ tầng số, hiện nay, hệ thống văn bản điện tử của tỉnh đã được kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia, tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của tỉnh đạt 99%.
Đến hết tháng 9/2023, tỉnh đã cấp chứng thư số cho 39 cơ quan, đơn vị với tổng số gần 2.300 chứng thư số; đăng ký cấp 99 Sim PKI cho lãnh đạo 22 cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, VNPT Vĩnh Phúc, Viettel Vĩnh Phúc cung cấp thêm 324 chứng thư số cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có gần 14.400 chữ ký số công cộng do VNPT Vĩnh Phúc và Viettel Vĩnh Phúc cung cấp cho người dân, doanh nghiệp sử dụng để ký số, xác thực, thực hiện giao dịch điện tử.
Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh đã kết nối liên thông với hệ thống báo cáo Chính phủ, thiết lập chế độ báo cáo của các đơn vị vào hệ thống thông tin báo cáo tỉnh, góp phần tăng tính minh bạch, khả năng tiếp cận thông tin của các tổ chức, người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước.
Mặt khác, để hoạt động giám sát an toàn thông tin được thực hiện liên tục, tỉnh đã triển khai hệ thống lưu trữ nhật ký, cảnh báo sự kiện an toàn thông tin tập trung bằng phần mềm nguồn mở, giúp ngăn chặn 100% trường hợp tin tặc điều khiển, phát tán mã độc, thư rác vào hệ thống thông tin của tỉnh.
Đồng thời thẩm định, phê duyệt và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cho 23 hệ thống thông tin, duy trì bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, chia sẻ thông tin giám sát an toàn hệ thống thông tin về Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia; hoàn thiện đánh giá an toàn thông tin cho hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh kết nối với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư.
Đến nay, tỉnh đã có 59/68 hệ thống thông tin được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin, đạt chỉ tiêu 80%.
Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh có 1.865 dịch vụ công, trong đó có 922 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 683 dịch vụ công trực tuyến một phần và 262 dịch vụ công khác.
Ngoài ra, tỉnh đã tích hợp 1.287 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, trong đó có 753 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 534 dịch vụ công trực tuyến một phần.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh hiện có 474 TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, hiện đã có 429 TTHC tích hợp thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Tính riêng 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện hơn 57.600 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công, với tổng số tiền giao dịch hơn 4,7 tỷ đồng. Từ ngày 1/6/2023, tất cả kết quả giải quyết TTHC trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã được số hóa.
Về hệ thống mạng lưới dịch vụ viễn thông, toàn tỉnh hiện có 5 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và 5 nhà cung cấp dịch vụ Internet với 3.000 trạm BTS, tỷ lệ phủ sóng mạng di động 3G, 4G đạt 100%, tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao internet băng thông rộng đạt 90%.
Toàn tỉnh hiện có hơn 519.000 tài khoản định danh điện tử mức độ 2, gần 75.000 tài khoản định danh mức độ 1, tương ứng với 68% tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản định danh điện tử.
Thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tỉnh nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số, trước mắt là giữ vững và vươn lên thứ hạng cao trong bảng xếp hạng DTI cấp tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chính trong thời gian tới là mở rộng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh; hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC, đáp ứng yêu cầu của cơ quan Nhà nước và người dân, doanh nghiệp; kết nối các hệ thống thông tin dùng chung, CSDL các sở, ngành, địa phương với Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh…
Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị Bộ TT&TT rà soát, bổ sung, điều chỉnh hoặc thay thế các văn bản liên quan đến đơn giá, định mức các nội dung công việc thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin phù hợp với tình hình thực tế; hướng dẫn, thống nhất các giải pháp nền tảng số triển khai từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Đề nghị các cơ quan Trung ương tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong việc triển khai các nền tảng số theo đề xuất như nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu và khảo sát, thu thập ý kiến người dân; nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản…