Từ đầu tháng 7 đến nay, do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài đã gây sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, nhà cửa, tài sản của người dân trên cả nước. Nhiều tuyến giao thông, cơ sở hạ tầng, trường học bị hư hại, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân, nhất là ở một số tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong khu vực có địa chất tương đối ổn định, tuy chưa gây thiệt hại lớn nhưng đã có hiện tượng sạt lở tại một số nơi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước kiểm tra một số hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh
Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh, mưa lớn trong những ngày đầu tháng 8 khiến huyện Tam Đảo bị ảnh hưởng với 13,4ha lúa và hoa màu bị ngập úng; sạt lở mái taluy đường quốc lộ 2B tại Km21+400 với khối lượng đất đá bị sạt lở khoảng 300m3, vùi lấp 01 cột điện chiếu sáng. Ngoài ra, một số vị trí trên các tuyến đường thuộc huyện Tam Đảo và thành phố Vĩnh Yên bị ngập úng, gián đoạn giao thông cục bộ như: Tràn Cầu Nhội đường tỉnh 302 địa phận xã Tam Quan, huyện Tam Đảo; quốc lộ 2C cũ đoạn Km13+300 đến Km13+600; Km29+300 quốc lộ 2; vòng xuyến Khu đô thị VCI Km2+00, quốc lộ 2B; đường Nguyễn Tất Thành đoạn từ đường Bà Triệu đến đường Chu Văn An...
Đại diện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tam Đảo cho biết, với đặc điểm địa hình có nhiều suối, thác và đồi núi dốc, ngay từ đầu mùa mưa, huyện đã tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, lụt bão của các địa phương, đơn vị; kiểm tra tình trạng, mức độ an toàn của các công trình, hồ, đập, các điểm xung yếu để có kế hoạch, chuẩn bị phương án phòng chống lũ, bão. Đối với các tuyến đường giao thông và một số cầu, ngầm tràn qua suối, huyện đã kiểm tra và gia cố những hạng mục đã xuống cấp. Khi có mưa lũ lớn, UBND các xã, thị trấn chủ động bố trí lực lượng chốt tại các tuyến ngầm tràn, có phương án giúp người, phương tiện di chuyển an toàn.
Công ty TNHH Một thành viên thủy lợi Tam Đảo hiện được giao quản lý 29 hồ trong đó có 7 hồ lớn nằm ven dãy Tam Đảo gồm: Vĩnh Thành, Đồng Mỏ, Làng Hà, Xạ Hương, Bản Long, Thanh Lanh, Gia Khau và 22 hồ vừa và nhỏ; 32 trạm bơm điện, dầu; gần 440km kênh tưới, tiêu trên địa bàn 18 xã thuộc các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Bình Xuyên. Công ty đã thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, đơn vị, xí nghiệp thủy lợi thực hiện; thường xuyên tổ chức phát quang, dọn rãnh thoát nước khu vực thượng, hạ lưu đập, kịp thời phát hiện hư hỏng, xuống cấp; vận hành cống lấy nước bảo đảm vận hành hồ an toàn. Riêng 3 hồ có cánh điều tiết bao gồm: Hồ Đồng Mỏ, Xạ Hương, Thanh Lanh, hằng tháng và trước khi có mưa lớn Công ty tiến hành thử tràn xả lũ để kiểm tra các thiết bị, động cơ, bảo đảm không để xảy ra sự cố.
Trước những diễn biết bất thường của thời tiết, đặc biệt, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, khu vực miền Bắc, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc thời gian tới tiếp tục có mưa lớn, mưa dài ngày gây nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào. Để chủ động phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông và lũ quét xảy ra trên địa bàn, UBND tỉnh đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị không chủ quan, lơ là, chủ động triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông gây ra.
Theo đó. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp với các địa phương rà soát, phát hiện kịp thời khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, thông báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại. Về lâu dài, để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng, UBND tỉnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng, khai thác, tập kết khoáng sản trái phép.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, các Công ty TNHH MTV thủy lợi triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng của người dân.
Sở Giao thông vận tải sẵn sàng phương án chỉ đạo rà soát, kiểm tra các tuyến giao thông, nhất là ở khu vực miền núi, trung du kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt sâu để có phương án bảo đảm giao thông và an toàn giao thông, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ và các trục giao thông chính của tỉnh; chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố sạt lở trên các trục giao thông chính…
Các sở, ban, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai nói chung và sạt lở nói riêng, bảo đảm an toàn cho lực lượng và công trình thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị mình; đồng thời, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị liên quan triển khai công tác công tác phòng, chống thiên tai, sạt lở.