Sáng 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Phiên họp trực tuyến toàn quốc, đánh giá tình hình thực hiện cải cách hành chính 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.
Đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Vĩnh Phúc.
Tại điểm cầu Vĩnh Phúc
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, 6 tháng đầu năm, công tác cải cách hành chính trong cả nước có nhiều đổi mới. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề ra 845 nhiệm vụ, UBND các tỉnh, thành phố 3.003 nhiệm vụ về cải cách hành chính. Tính đến 21/6, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 296 nhiệm vụ, đạt 35,03% kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố hoàn thành 1.384 nhiệm vụ, đạt 46,09% so với kế hoạch đề ra.
Giai đoạn 2021 -2023, các bộ, cơ quan ngang bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.352 quy định kinh doanh tại 191 văn bản quy phạm pháp luật; cắt giảm, đơn giản hóa 470 quy định kinh doanh tại 56 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 41%. Riêng trong II/2023, ban hành 1.129 quyết định, công bố 14.716 thủ tục hành chính, danh mục thủ tục hành chính và đã công khai 11.581 thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 3,6 triệu tài khoản đăng ký; hơn 55,98 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7,88 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 9,75 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 6,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,39 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, đến nay, có 32,05% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 67,32% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa; hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và 10/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá rõ kết quả cải cách thủ tục hành chính, cải cách tài chính công, cải cách thể chế trong 6 tháng đầu năm; đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị. Tăng cường các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong cải cách hành chính...
Biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện cải cách hành chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu trong 6 tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch cải cách hành chính năm 2023. Tập trung rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện. Cùng với đó, chủ động sàng lọc, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính. Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, thực chất, hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo sau hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác cải cách hành chính. Thường xuyên rà soát, đánh giá công tác cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị, từ đó đề xuất các giải pháp thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đề ra. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về cải cách hành chính. Sở Nội vụ thường xuyên đôn đốc, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì cùng các địa phương thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó, tập trung vào việc làm giàu dữ liệu, kết nối, khai thác dữ liệu dùng chung gắn với thực hiện Đề án 06.
UBND tỉnh sẽ thực hiện đánh giá trách nhiệm người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính, trong đó, có nhiệm vụ tham mưu, khắc phục việc cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm, lòng vòng trong giải quyết công việc.