Sáng 17/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc ứng phó với bão số 1 và mưa, lũ sau bão.
Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có các đồng chí: Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Trần Thanh Hải, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo một sở, ban, ngành, huyện, thành phố trên địa bàn.
Bão số 1 có tên quốc tế là TALIM đang hoạt động ở phía Tây Bắc khu vực Bắc biển Đông với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 13. Theo dự báo, bão số 1 còn tiếp tục mạnh lên cấp 12-13, giật cấp 15. Từ chiều nay (17/7), bão có thể gây gió mạnh trên Vịnh Bắc Bộ, sau đó tiếp tục ảnh hưởng đến vùng biển ven bờ và đất liền ven biển Bắc Bộ. Hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn kéo dài, nhất là khu vực phía Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét tại miền núi, ngập úng cục bộ tại các đô thị và vùng thấp, trũng, ven sông, suối.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Vĩnh Phúc
Để chủ động ứng phó với bão 1 và mưa, lũ có thể xảy ra sau bão, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành theo dõi sát diễn biến của bão. Tiếp tục tổ chức kiểm đếm tàu, thuyền và bằng mọi biện pháp kêu gọi chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi neo đậu tránh trú. Chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, khách du lịch lưu trú trong thời gian bão đổ bộ và trên các đảo. Vùng đồng bằng và ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa chủ động sơ tán dân tại các khu vực trũng, thấp có nguy cơ ngập sâu do mưa lớn, nước biển dâng; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các tuyến đê biển, đê cửa sông, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công. Đồng thời, tổ chức cắt tỉa cây xanh, chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho hàng, các công trình cột tháp cao, hệ thống lưới điện; rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng, thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước nhấn mạnh: Đây là cơn bão đầu tiên năm 2023 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta với cường độ mạnh ngay sau đợt nắng nóng kéo dài. Bão có khả năng đổ bộ vào các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và ảnh hướng đến Vĩnh Phúc.
Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tích cực, chủ động theo dõi sát diễn biến của bão số 1; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Tăng cường kiểm tra, rà soát các biện pháp bảo đảm an toàn hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành, điều tiết nước và xử lý kịp thời các tình huống phức tạp nảy sinh. Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo và thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh khẩn trương kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp có biện pháp phòng, chống lụt bão, lốc xoáy. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn nuôi trồng thủy sản; an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, đang thi công, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.