Sáng 17/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 chủ trì hội nghị.
Dự tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc có các đồng chí: Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thanh Hải, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước phát biểu chỉ đạo sau hội nghị
Báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho thấy, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng tới nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện cả nước có 6.022/8.177 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 11,3% so với cuối năm 2020; 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 90 đơn vị so cuối năm 2020; 19 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 tỉnh là: Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 7/2023, cả nước có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.069 chủ thể, trong đó, có 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn các địa phương dần thay đổi, tăng thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 đạt 46,3 triệu đồng/người/năm, tăng 4,6 triệu đồng so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2022 còn 5,4%, giảm 1,7% so với năm 2020, đời sống người dân khu vực nông thôn từng bước được cải thiện, các thành phần kinh tế phát triển, an ninh trật tự xã hội được giữ vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển…
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do UBND cấp tỉnh quy định.
Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả Chương trình; sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp theo các mức độ phù hợp hơn với tình hình thực tế tại các địa phương và đặc thù của vùng, miền. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp huy động tối đa nguồn lực; quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước được giao bảo đảm hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật; tăng cường vận động các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các nội dung liên quan đến những vấn đề cấp thiết của Chương trình.
Dịp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã trao giấy chứng nhận OCOP đạt chuẩn 5 sao cho các tỉnh, thành trong cả nước.
Phát biểu chỉ đạo sau hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Khước yêu cầu các huyện, thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo và kết quả, kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; rà soát, triển khai thực hiện tốt nguồn kinh phí đã phân bổ trong năm 2023. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, chuyên môn, xã, thị trấn rà soát, đánh giá kết quả thực hiện duy trì các xã đạt chuẩn nông thôn mới, từ đó, đề xuất, kiến nghị giải pháp cụ thể để thực hiện đối với các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt chuẩn theo quy định trong giai đoạn 2021 - 2025, nhất là các tiêu chí như: Thu nhập, môi trường, chất lượng môi trường sống, quốc phòng - an ninh…; kiên quyết thu hồi quyết định đạt chuẩn đối với các xã không đạt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước yêu cầu các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch chủ động phối hợp với các sở, ngành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu huyện nông thôn mới, đề xuất giải pháp, kế hoạch hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới. Các huyện, thành phố: Yên Lạc, Bình Xuyên, Phúc Yên, Vĩnh Yên đã được công nhận đạt chuẩn huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nông thôn mới tập trung đánh giá lại kết quả duy trì các tiêu chí nông thôn mới, có kế hoạch đối với những tiêu chí cần duy trì, nâng cao chất lượng; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, cần hỗ trợ các địa phương đang thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu sớm hoàn thành các tiêu chí để được công nhân thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, kịp thời đề xuất tỉnh giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với tiêu chí được giao phụ trách. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến những tiêu chí: Cơ sở vật chất, văn hóa, tổ sản xuất phát triển kinh tế nông thôn, môi trường, an toàn thực phẩm, chất lượng môi trường sống… để có những giải pháp phù hợp khắc phục khó khăn, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu mẫu theo đúng chỉ đạo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.