Chiều 15/6, Sở KH&CN đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển ngành khoa học công nghệ (KHCN). Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát biểu tại hội nghị.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, việc đầu tư, ứng dụng KHCN trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào chiều sâu, đưa vào thực tiễn sản xuất. Năm 2022, Vĩnh Phúc vinh dự được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình chọn là 1 trong 3 tỉnh, thành phố trên cả nước đạt danh hiệu “Địa phương tiêu biểu xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2022”.
Các hoạt động đổi mới sáng tạo được tỉnh quan tâm, triển khai thời gian qua như Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021 – 2025”; tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tỉnh”; đặc biệt, chương trình “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022” được tỉnh tổ chức đã thu hút 800 đại biểu tham dự trực tiếp, 6.000 đại biểu tham dự online, qua đó, giới thiệu gần 100 gian hàng các sản phẩm công nghệ, dịch vụ KHCN tiêu biểu về đổi mới sáng tạo trong và ngoài tỉnh, thu hút đầu tư gần 30 tỷ đồng từ các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế cho các nhóm khởi nghiệp sáng tạo…
Bên cạnh đó, với việc xây dựng Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến, hiện nay, tỉnh đã thu hút được hơn 2.200 doanh nghiệp tham gia với hơn 4.500 sản phẩm được chào bán.
Một số dự án ứng dụng KHCN vào sản xuất được Sở KH&CN triển khai, phát huy hiệu quả như phát triển Tràm trà và Tràm 5 gân có năng suất, chất lượng tinh dầu cao; ứng dụng công nghệ sinh học nâng cao giá trị sản phẩm sữa tươi; áp dụng kỹ thuật thủy canh, canh tác trên giá thể không đất vào trồng rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính; áp dụng hệ thống quy trình công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch; ứng dụng công nghệ IoT xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi thông minh; ứng dụng kỹ thuật điều trị suy tĩnh mạch mạn tính bằng Laser nội mạch; ứng dụng kỹ thuật điều trị phẫu thuật triệt căn ung thư dạ dày bằng dao siêu âm…
Đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực KHCN, Sở KH&CN tích cực tham mưu, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân triển khai sáng kiến KHCN có tính khả thi, xác lập quyền sở hữu, phát triển tài sản trí tuệ; tiếp nhận hồ sơ về đăng ký, kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng nhập khẩu, đăng ký kiểm tra đo lường, công bố sử dụng dấu định lượng; tư vấn dịch vụ kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng; thành lập Tổ tham mưu, thực hiện Đề án số hóa và chuyển đổi số hệ thống hồ sơ, tài liệu theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015 vào hoạt động của cơ quan hành chính các cấp; kiện toàn Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 tỉnh; đề xuất UBND tỉnh phê duyệt 9 nhiệm vụ KHCN trong thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”…
Năm 2023, tỉnh phân bổ hơn gần 51 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp KH&CN (cao hơn 7,5% mức Trung ương giao). Để phát triển ngành KHCN có trọng tâm, đổi mới sáng tạo trong thời gian tới, Sở KH&CN đã đề ra 5 nhóm giải pháp chính gồm: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ KHCN bám sát Chương trình hành động của UBND tỉnh về Kế hoạch phát triển KT - XH; tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực KHCN; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực KHCN; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhà khoa học làm nhiệm vụ KHCN.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định vai trò quan trọng của ngành KHCN đối với phát triển KT – XH, đồng chí cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc phát triển ngành KHCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Đồng chí đề nghị Sở KH&CN xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực KHCN, phát triển thị trường KHCN, ứng dụng KHCN vào thực tiễn sản xuất; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân về đổi mới sáng tạo KHCN; phát triển KHCN bám sát định hướng phát triển KT – XH của tỉnh.
Hoàn thiện hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về KHCN; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực KHCN; đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị có quỹ phát triển KHCN; xây dựng giải pháp nhân rộng các mô hình nghiên cứu KHCN có tính khả thi.