Sáng 15/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ trì hội nghị.
Đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn và các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/6 với trên 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi, phương thức tổ chức kỳ thi cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Các thí sinh sẽ làm 4 bài thi, trong đó có 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.
Để kỳ thi diễn ra thành công, Bộ đã tổ chức tập huấn Quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho các Sở Giáo dục và Đạo tạo, cán bộ làm công tác thi các tỉnh, thành phố. Chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, cập nhập thông tin học sinh; lập tài khoản cho thí sinh; thành lập Hội đồng thi; chuẩn bị cơ sở vật chất, các điều kiện cần thiết phục vụ kỳ thi… Đồng thời, nâng cấp phần mềm hỗ trợ quản lý, tổ chức thi và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi. Đến thời điểm này, công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm cả về số lượng, chất lượng để phục vụ công tác ra đề thi.
Tại Vĩnh Phúc, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm 2023, toàn tỉnh có 14.041 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó, khối THPT là 10.946 thí sinh, khối giáo dục thường xuyên 2.695 thí sinh và 443 thí sinh đăng ký dự thi tự do. Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập 01 Hội đồng thi, 43 điểm đăng ký thi, 26 điểm thi, với 633 phòng thi, 2.172 cán bộ coi thi; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức kỳ thi. Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật đề thi, vận chuyển đề thi - bài thi, chấm thi; an ninh trật tự, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các điểm thi.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã tập trung làm rõ những khó khăn trong công tác chuẩn bị kỳ thi, nhất là vấn đề liên quan đến bảo đảm an ninh, an toàn, vấn đề cấp điện, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm thi. Nhiều đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường thanh tra, kiểm tra trước và trong các ngày diễn ra thi; đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng công nghệ số trong công tác chấm, quản lý thi.
Đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Thứ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng phương án, bảo đảm kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng, khách quan, chất lượng, đúng quy chế, nhất là bảo đảm an toàn cho lực lượng tổ chức thi, thí sinh và các đối tượng có liên quan. Cùng với đó, chủ động phân cấp, phân quyền, thống nhất thông suốt trong công tác chỉ đạo; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm thi; chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, ưu tiên các trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ kỳ thi, kịp thời xử lý mọi sự cố có thể xảy ra.
Phát biểu chỉ đạo sau hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với Công an tỉnh rà soát tất cả các khâu liên quan đến cơ sở vật chất, con người, bảo đảm an toàn cho kỳ thi. Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Thanh tra giao thông có phương án, phân công cụ thể lực lượng tham gia phân luồng, điều tiết giao thông, nhất là tại các điểm có nguy cơ ngập lụt, ùn tắc giao thông. Các trường THPT rà soát lại cơ sở vật chất, hệ thống máy phát điện, quạt. Ngành Điện quan tâm, ưu tiên cấp điện ổn định cho 26 điểm thi và các trường THPT tổ chức ôn thi cho học sinh. Ngành Y tế quan tâm bảo đảm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại khu vực các điểm thi.