Trong tháng 3/2023, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được giải quyết đúng và trước hạn toàn tỉnh đạt kết quả cao, ở cấp tỉnh đạt 99%, cấp huyện, thành phố đạt 97,7%. Hiện nay, tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận và giải quyết thông qua dịch vụ công (DVC) trực tuyến tại các huyện, thành phố đạt 93% tổng số hồ sơ TTHC cần giải quyết. Với mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai DVC trực tuyến, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).
Cán bộ tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh tiếp nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp cho người dân.
Tháng 3/2023, số lượng hồ sơ TTHC được tiếp nhận tại các sở, ngành, địa phương tăng so với tháng trước với hơn 36.700 hồ sơ tiếp nhận mới, tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết đúng và trước hạn vẫn đạt mức cao, ở cấp tỉnh đạt 99%, cấp huyện, thành phố đạt 97,7%.
Kết quả giải quyết TTHC đạt cao nhờ việc cung cấp hơn 2.000 DVC trực tuyến, trong đó, có gần 750 DVC trực tuyến đạt mức độ 3, mức độ 4 được kết nối với Cổng DVC quốc gia.
Tính riêng tháng 3/2023, các huyện, thành phố đã phát sinh hơn 20.300 hồ sơ TTHC nộp trực tuyến, chiếm 93% tổng số hồ sơ TTHC được giải quyết (tăng 1,8% so với tháng 2).
Về dịch vụ thanh toán phí, lệ phí và thanh toán trực tuyến trong giải quyết TTHC, Vietinbank đã thu hộ phí, lệ phí cho người dân, DN hơn 846 triệu đồng; đối với dịch vụ thanh toán trực tuyến, toàn tỉnh đã phát sinh gần 2.700 giao dịch thành công với tổng số tiền hơn 326 triệu đồng; đối với nộp nghĩa vụ tài chính về đất đai, toàn tỉnh đã phát sinh gần 650 khoản thu với tổng số tiền hơn 3,8 tỷ đồng.
Thực hiện Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, toàn tỉnh đã tiếp nhận được hơn 918.000 hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp (đạt 97,8% tổng số công dân từ 14 tuổi trở lên); tiếp nhận gần 193.500 hồ sơ xin cấp định danh điện tử mức 2 và hơn 22.700 hồ sơ đăng ký định danh điện tử mức 1.
Đến nay, tỉnh đã kích hoạt được hơn 37.400 tài khoản định danh mức 1, mức 2. Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã kết nối được với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thông qua đó, cán bộ tại bộ phận một cửa tại các sở, ngành, địa phương có thể sử dụng dịch vụ xác thực thông tin cá nhân, người dân, DN có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các giao dịch tài chính, nộp các khoản thuế, phí, lệ phí…
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, DN nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, các trường hợp đủ điều kiện nộp hồ sơ trực tuyến được hướng dẫn tạo lập tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến.
Công tác số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu TTHC trên môi trường điện tử được chú trọng thực hiện. Các cơ quan trong hệ thống chính trị của tỉnh đã hình thành, phát triển được nhiều cơ sở dữ liệu ngành quan trọng, trong đó có hệ thống dữ liệu phục vụ DVC trực tuyến.
Hiện nay, tỷ lệ sử dụng chữ ký số trên phần mềm quản lý văn bản tại các cơ quan trong hệ thống chính trị tỉnh đã đạt hơn 98%. Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.000 DN sử dụng nền tảng số, 100% cơ sở giáo dục, y tế thực hiện chuyển đổi số.
Cùng với đó, tỉnh đã triển khai hiệu quả các nền tảng dạy học trực tuyến, hóa đơn điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, bảo hiểm xã hội số (VssID)…tạo điều kiện cho người dân, DN sử dụng DVC trực tuyến đối với các nhu cầu thiết yếu.
Năm 2023, với mục tiêu tiếp tục phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, cung cấp DVC trực tuyến mức độ cao, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, DN, tỉnh tập trung triển khai thực hiện 3 mục tiêu, 10 nhiệm vụ chính với 5 giải pháp cụ thể.
Đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, DN; phát triển mô hình kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước, DN; nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả công nghệ; thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng số, phát triển công nghệ thông tin, tăng cường hợp tác quốc tế.
Phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc lọt top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.